Đường dẫn truy cập

Liên minh nạn nhân Cộng Sản người Hoa thành hình


Cô Trần Kiều Ngọc và giáo sư Feng Chongyi.
Cô Trần Kiều Ngọc và giáo sư Feng Chongyi.

Ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua, hơn 100 thành viên của 12 tổ chức khác nhau đã nhóm họp tại Canberra, do Ủy Ban Liên minh Úc – Tân Tây Lan về Nạn nhân của Chế độ Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Luật sư Trần Kiều Ngọc, đại diện cho Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, là phái đoàn Việt Nam duy nhất, tham dự Hội Nghị “Nạn Nhân của ĐCSTQ: Nhìn Lại và Viễn Ảnh.”

Cô Kiều Ngọc cho biết, Hội Nghị trên đã được chuẩn bị từ 13 tháng trước, và thành viên Ban Tổ Chức là các nhà hoạt động dân chủ trí thức Trung Hoa. Các tổ chức này đại diện cho các cộng đồng người Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa, Duy Ngô Nhĩ, và các tổ chức tôn giáo và pháp luân công. Ngoài ra, Hội Nghị có sự tham dự của dân biểu George Christensen, Đại Diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma Úc châu, Cựu Đại Sứ Trung Quốc tại Úc (người đào ngũ ĐCSTQ) Chen Yongli, và một số nạn nhân còn sống sót sau biến cố thảm sát Thiên An Môn.

Sau hai ngày chia sẻ và trao đổi tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cô Kiều Ngọc cho biết tất cả những người tham dự đã đồng ý đi đến quyết định thành lập Hội Đồng Liên Minh Nạn Nhân ĐCSTQ - Úc châu & Tân Tây Lan (Alliance For Victims of the Chinese Communist Party (ANZ) Council). Hội đồng cũng đề ra những hoạt động cụ thể trong thời gian tới.

Được biết bài phát biểu của cô Kiều Ngọc đã được các tham dự viên tại Hội Nghị đón nhận tích cực vì nói lên được tâm tư nguyện vọng của họ. Trong bài “Ý tưởng, phối hợp và liên minh là chìa khóa”, cô Kiều Ngọc chia sẻ những điểm tương đồng giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, như di sản họ để lại cho đến nay; cô cũng trình bày một số ý tưởng mà những người yêu chuộng tự do dân chủ cần làm. Cô kết luận: “Khi nào ĐCSTQ còn nắm quyền lực và tiếp tục thực thi chương trình hành động hiện tại, chúng ta cần phải cùng nhau nhập cuộc không những để bảo vệ tự do của chính chúng ta mà, chính xác, để bảo vệ lối sống của chúng ta. Một lối sống tự do không bị bất cứ sự can thiệp nào áp đặt bởi ĐCSTQ đối với bất cứ nơi nào họ với tới. Không bao giờ quá muộn để làm việc đứng đắn, tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta cần hành động sớm hơn là muộn hơn, bởi vì nguy cơ quá cao.”

Cô Kiều Ngọc cũng cho biết cô nhận thấy vài điểm tương đồng và khác biệt giữa các nhà hoạt động dân chủ Trung Hoa và Việt Nam. Điểm tương đồng là hai bên đều gặp những khó khăn trong việc kêu gọi người dân dấn thân vì cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã thực thi chính sách tuyên truyền quá lâu, nên tư duy của người dân là cản trở lớn nhất. Một nhận xét, theo cô Kiều Ngọc, là nhiều giới trí thức Trung Hoa tại hải ngoại rất yêu nước và sẵn sàng dấn thân vận động cho nhân quyền dân chủ tại Trung Quốc. Tại Hội Nghị, người tham dự nhìn đâu cũng có thể thấy tiến sĩ và bác sĩ người Trung Hoa.

Trong Hội Nghị này, tôi nhận thấy có hai trí thức nổi bậc trong cộng đồng người Úc và người Hoa, mà tôi đã từng viết bài về họ. Người đầu tiên là tiến sĩ Feng Chongyi. Cuối tháng Ba năm 2017, giáo sư Chongyi đã bị an ninh Trung Quốc giam cầm cả tuần sau một chuyến đi nghiên cứu cũng như gặp gỡ các nhà hoạt động cho dân chủ tại Trung Quốc. Chính phủ và truyền thông Úc đã đồng loạt đưa tin khi ông bị chận tại phi trường Quảng Châu không cho lên phi cơ về Úc. Khi đã về đến Úc, giáo sư Chongyi cho biết, An ninh Trung Quốc chỉ đồng ý cho ông xuất cảnh nếu ông không tiết lộ những gì xảy ra, gồm những gì ông bị chất vấn và nơi diễn ra. Nhưng những gì nhà cầm quyền Trung Quốc làm với giáo sư Chongyi chỉ làm cho ông quyết tâm hơn để tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc. Ông đã tìm cách liên minh với tất cả các cộng đồng và tổ chức đã và đang là nạn nhân của ĐCSTQ. Qua Hội Nghị này, giáo sư được tín nhiệm vào vai trò Chủ tịch của Hội Đồng Liên Minh này, và cô Kiều Ngọc cũng là một thành viên chính thức.

Người thứ hai là giáo sư Clive Hamilton, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng nhưng cũng gây lắm tranh cãi: một, “Cuộc xâm lược âm thầm: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc”; hai, “Bàn tay dấu kín: Vạch trần cách Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tái định hình lại thế giới”. Giáo sư Hamilton viết khá nhiều trên các tạp chí và truyền thông uy tín khác nhau trong thời gian qua. Sau khi phát hành cuốn sách “Cuộc xâm lược âm thầm”, giáo sư Hamilton được mời sang quốc hội Hoa Kỳ điều trần, và cũng kể từ đó ông tiếp tục viết nhiều bài để vạch trần các hoạt động tình báo gây phá hoại không chỉ cho cộng đồng người Hoa tự do tại Úc, mà còn liên tục cảnh báo những mưu mô, trí trá và đe dọa của Bắc Kinh đối với nền dân chủ của Úc. Những dữ kiện nghiên cứu và phân tích sâu sắc của một giáo sư dạy về chính trị học này đã làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Giáo sư Hamilton đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Hoa chống lại ĐCSTQ và là người cố vấn đặc biệt của Hội Đồng Liên Minh.

Luật sư Trần Kiều Ngọc và giáo sư Clive Hamilton.
Luật sư Trần Kiều Ngọc và giáo sư Clive Hamilton.

Tôi đã liên lạc cô Kiều Ngọc để hỏi rằng theo cô thì điểm nổi bật nhất của Hội nghị này là gì, theo cái nhìn của một người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam và trong vùng, thì cô Kiều Ngọc cho biết như sau:

“Theo Kiều Ngọc thì điểm nổi bật nhất của Hội nghị này là tinh thần tương thân tương ái giữa các tham dự viên dành cho nhau. Đặc biệt là sự đấu tranh quyết liệt của mọi tham dự viên nhằm chấm dứt chế độ độc tài của ĐCSTQ. Tuy không cùng chung dòng máu, phong tục, tập quán, ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng tất cả chúng tôi đều trân trọng nhau vì niềm khao khát chung cho một thế giới nhân bản, mà qua đó, quyền sống của con người được tôn trọng.”

Tôi muốn tìm hiểu thêm các hoạt động của Hội Đồng Liên Minh này trong thời gian tới ra sao, nên có ý định phỏng vấn cô Kiều Ngọc về đề tài này vào dịp khác.

Hy vọng người Việt, nhất là trí thức Việt Nam, mạnh mẽ lên tiếng và cùng ngồi lại với nhau để hình thành nên những liên minh các tổ chức có cùng mục đích và chủ trương đấu tranh cho nhân quyền và xây dựng dân chủ như người Hoa. Bởi không có bất cứ một tổ chức nào có thể một mình làm được điều này.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG