Đường dẫn truy cập

Luật đặc khu: Chính phủ Việt Nam sẽ thực sự ‘xin’ ý kiến người dân?


Hình ảnh kêu gọi biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu ngày 10/6/2018 của Nhóm Nhật ký Yêu nước. (Facebook Nhật ký Yêu nước)
Hình ảnh kêu gọi biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu ngày 10/6/2018 của Nhóm Nhật ký Yêu nước. (Facebook Nhật ký Yêu nước)

Sau nhiều cuộc biểu tình gần đây trên khắp cả nước phản đối dự luật đặc khu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 10/7 cho biết chính phủ Việt Nam sẽ ‘xin ý kiến rộng rãi’ trong nhân dân về dự luật gây tranh cãi này trước khi trình quốc hội.

Dự thảo luật, trong đó có điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lên tới 99 năm trên lãnh thổ Việt Nam tại 3 đặc khu hành chính-kinh tế nằm ở các vị trí trọng điểm, đã được đưa ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 5 vào tháng 6 vừa qua.

Quang cảnh cảng Cái Rồng trên đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Vân Đồn là một trong ba đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được thành lập ở Việt Nam theo dự luật đang gây tranh cãi.
Quang cảnh cảng Cái Rồng trên đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Vân Đồn là một trong ba đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được thành lập ở Việt Nam theo dự luật đang gây tranh cãi.

Tuy nhiên vài ngày trước khi các đại biểu dự kiến ‘bấm nút’ thông qua dự luật mà nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ cho Trung Quốc cơ hội xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, các cuộc biểu tình bùng nổ trên cả nước và sau đó là ở nhiều thành phố trên thế giới nơi có người Việt sinh sống.

Ngày 11/6, Quốc hội đã biểu quyết đồng ý lùi dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trước những phản đối của người dân.

(Việc xin ý kiến) không khả thi và đây chỉ là một cái gì đó để họ viết trên báo, là truyền thông của bên tuyên giáo thôi.
Nguyễn Tín, một người dân từng biểu tình chống Luật Đặc khu Kinh tế

Theo truyền thông trong nước, trong cuộc họp ngày 10/7 với Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) mà Thủ tướng Phúc là trưởng ban, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói sẽ ‘xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội’ thông qua dự luật này.

Nhận xét về động thái này của chính phủ Việt Nam trước sức ép của dư luận, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nói ông tin rằng “Thủ tướng chắc chắn đã có xem xét nhiều mặt để đi đến quyết định lấy ý kiến rộng rãi quần chúng.”

Người từng là cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói ông tin rằng “người dân sẽ quan tâm và sẽ tranh thủ để phát biểu ý kiến.”

Thủ tướng Phúc không cho biết chính phủ sẽ xin ý kiến người dân như thế nào.

Luật Đặc khu tiếp tục gây ‘sóng gió’ ở Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:33 0:00

​Tuy nhiên động thái này của chính phủ Việt Nam bị coi là để “dẫn dắt dư luận,” theo ông Nguyễn Tín một người dân TPHCM từng tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu hôm 10/6.

“Là một người luôn theo dõi và quan tâm những sự kiện ở Việt Nam thì tôi nghĩ điều đó không khả thi và đây chỉ là một cái gì đó để họ viết trên báo, là truyền thông của bên tuyên giáo thôi.”

Trước đó, để xoa dịu sự giận dữ của người dân, Thủ tướng Phúc hôm 7/6 đã tuyên bố sẽ thay đổi điều lệ của dự luật này, trong đó giảm thời gian cho thuê đất và không không giữ mức cố định 99 năm.

Luật đặc khu này cần phải được xem xét rất cẩn trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ kinh tế

Những gì người dân lo lắng không chỉ là thời hạn thuê đất mà là những ưu đãi trong luật cho các nhà đầu tư ở đặc khu kinh tế và họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, người từng có thời gian làm việc trong Quốc hội Việt Nam, nói với VOA rằng: “Ở đây không chỉ là chuyện chiếm hữu đất đai mà còn là chuyện liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.”

Người dân trong nước biểu tình vào sáng Chủ Nhật, 10/6, chống dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.
Người dân trong nước biểu tình vào sáng Chủ Nhật, 10/6, chống dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Không chỉ những người dân phản đối dự luật đặc khu mà nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã lên tiếng không đồng tình với những điều lệ của dự luật này.

“Việc cho thuê đất lên thời hạn quá lâu trong bối cảnh Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc và Trung Quốc có thể dùng rất nhiều các phương tiện và những cách để có thể tác động đến thậm chí là đầu tư như là cấp vốn cho doanh nghiệp Việt Nam đứng tên nhưng thực sự họ là người có quyền điều hành,” theo TS Doanh.

Cựu viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cảnh báo rằng “luật đặc khu này cần phải được xem xét rất cẩn trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Nguyễn Tín, người bị công an bắt giam từ 16-18/6 và bị đánh đập vì tham gia biểu tình trước đó, cho biết “tới giờ vẫn chưa có thông tin gì việc lấy ý kiến người dân về dự luật đặc khu.” Anh cho rằng chính phủ đã nhìn thấy sự phản ứng của người dân đối với dự luật này và anh cũng như nhiều người dân khác sẽ tiếp tục phản đối vì cho rằng luật đặc khu là để “bán đất cho Trung Quốc.”

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tháng trước nói với báo chí rằng có nhiều người ‘cố tình hiểu sai’ về luật đặc khu kinh tế nhằm ‘chia rẽ quan hệ Việt Nam với Trung Quốc.’

Dự luật đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận lần nữa vào kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay. Theo quy trình, dự án Luật được xem xét và thông qua tại ba kỳ họp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG