Đường dẫn truy cập

Luật sư: ‘Công dân nên kiện để có quyền ghi âm, ghi hình cán bộ’


Ông Đồng Ngọc Ba, một cục trưởng thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, gặp báo chí hôm 29/1/2019
Ông Đồng Ngọc Ba, một cục trưởng thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, gặp báo chí hôm 29/1/2019

Sau khi Bộ Tư pháp Việt Nam mới đây nói bộ “không đủ thẩm quyền” ngăn chặn quy định của Hà Nội hạn chế việc người dân ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân, một luật sư cho rằng bộ “né tránh trách nhiệm” và người dân “nên kiện ra tòa” về quy định bị xem là trái luật.

Tranh cãi đã nổi lên hồi đầu tháng 1 sau khi chính quyền thủ đô Việt Nam ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Đức Chung ký. Một điều trong nội quy nêu rõ rằng công dân khi đến trụ sở nêu trên để làm việc, họ “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Bản nội quy, thường được gọi là Quyết định số 12, có hiệu lực từ ngày 3/1/2019 bị công chúng, các nhà hoạt động và một số chuyên gia pháp lý phản đối, cho rằng nó “vi hiến”.

Báo chí trong nước hồi giữa tháng 1 cho biết những phản ứng về bản nội quy của Hà Nội đã thu hút sự chú ý từ Bộ Tư pháp. Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của bộ, khi đó được báo chí dẫn lời nói rằng cục của ông “đang cho tiến hành kiểm tra lại quy định này”.

Sau gần hai tuần, theo tin tức của Dân Trí, Sài Gòn Giải Phóng, VTC và một số trang tin khác, hôm 28/1, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba nói tại một cuộc họp báo rằng Bộ Tư pháp “không đủ thẩm quyền ra quyết định, kiến nghị” với chính quyền địa phương là cơ quan ban hành nội quy về việc công dân không được ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân mà không được sự cho phép của người tiếp dân.

Bộ Tư pháp đã né tránh trách nhiệm. Đáng lẽ Bộ Tư pháp có thể nói rằng, trong thẩm quyền của mình, việc ban hành của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc hạn chế, thực chất là cấm [ghi âm, ghi hình], là sai.
Luật sư Hà Huy Sơn

Ông Ba cho biết thêm là 28 tỉnh, thành ở Việt Nam đã ban hành quy định “cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại trụ sở tiếp dân” trong nhiều năm qua, và Hà Nội không phải địa phương đầu tiên làm như vậy.

Theo tường thuật của báo chí, tại cuộc họp báo, vị cục trưởng giải thích rằng Luật Tiếp công dân “không có quy định” về cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân, nhưng – vẫn theo lời ông cục trưởng – luật này cũng nhấn mạnh là người dân khi tới trụ sở tiếp công dân phải “nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân”.

Với lập luận như vậy, ông Đồng Ngọc Ba sau đó dường như muốn chuyển trách nhiệm phân xử về vấn đề này cho một cơ quan khác. Các bản tin trích lời Cục trưởng Ba nói rằng “ở đây có trách nhiệm rất quan trọng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan của Chính phủ được giao tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tiếp công dân”.

“Thanh tra Chính phủ phải có rà soát, báo cáo Chính phủ để có giải pháp phù hợp”, ông Ba nói thêm, theo các báo.

Luật sư Hà Huy Sơn khẳng định với VOA rằng quy định của Hà Nội nói riêng và của gần 30 tỉnh, thành nói chung là “trái với Luật Tiếp công dân”, đồng thời, theo luật sư, những phát biểu của đại diện Bộ Tư pháp là không thỏa đáng. Ông Sơn nói:

“Bộ Tư pháp đã né tránh trách nhiệm. Đáng lẽ Bộ Tư pháp có thể nói rằng, trong thẩm quyền của mình, việc ban hành của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc hạn chế, thực chất là cấm [ghi âm, ghi hình], là sai”.

Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Đây là một quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban thành phố Hà Nội, nhưng nó lại chứa đựng một văn bản quy phạm pháp luật, thế nên công dân có thể kiện ra tòa về Quyết định số 12 của UBND thành phố Hà Nội.
Luật sư Hà Huy Sơn

Đồng ý với ý kiến từ nhiều đồng nghiệp và dư luận, luật sư Sơn nhấn mạnh rằng các quy định hạn chế công dân ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân không chỉ “trái luật” mà còn “trái Hiến pháp”, vốn nêu rõ người dân có quyền giám sát công chức, viên chức và các cơ quan nhà nước.

Sau khi Bộ Tư pháp từ chối phân định đúng sai về quy định gây tranh cãi của Hà Nội, ông Sơn đề xuất về động thái tiếp theo mà người dân có thể tiến hành:

“Đây là một quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban thành phố Hà Nội, nhưng nó lại chứa đựng một văn bản quy phạm pháp luật, thế nên công dân có thể kiện ra tòa về Quyết định số 12 của UBND thành phố Hà Nội”.

Mặc dù vậy, luật sư Sơn bày tỏ “không đánh giá cao” và “không hy vọng gì” ở các tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói việc khởi kiện vẫn nên thực hiện vì đó là một dịp để cả người dân và nhà nước “công khai đưa ra quan điểm một cách rõ ràng”.

Trên mạng xã hội, tiếp sau những phát biểu bị xem là “né tránh” của đại diện Bộ Tư pháp, nhiều người bày tỏ sự thất vọng và bực tức.

Theo quan sát của VOA, nhiều người sử dụng Facebook đưa ra các ý kiến cho rằng Hà Nội và các tỉnh thành khác tìm cách hạn chế công dân ghi âm, ghi hình cũng đồng nghĩa là phía chính quyền cố ngăn chặn các nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch, chống lạm quyền và chống tham nhũng.

Tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi họ công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018 vào ngày 29/1 năm nay.

Trong bảng xếp hạng gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, được khảo sát dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180. Số điểm của Việt Nam giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017 nhưng được xem là không đáng kể.

Đưa tin về diễn biến này, báo Thanh Tra của nhà nước nói trong những năm qua, Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam “đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng” với nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, song tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam.

Luật sư: Dân nên kiện để có quyền ghi âm, ghi hình cán bộ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:08 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG