Quốc hội Việt Nam hôm 21/10 bầu ông Lương Cường, thường trực Ban bí thư, giữ chức Chủ tịch nước, thay cho ông Tô Lâm, người đã kiêm nhiệm chức vụ này khi cùng lúc làm tổng bí thư Đảng, theo truyền thông trong nước đưa tin.
Thông tấn xã Việt Nam và các báo do nhà nước Việt Nam quản lý cho biết rằng ông Cường đã được toàn thể 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với số phiếu là 440/440.
Ngay sau khi được bầu, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức và có bài diễn văn trước Quốc hội mà trong đó ông có lời cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và cá nhân ông Tô Lâm “đã tin cậy, giới thiệu”, theo tường thuật của các báo trong nước, gồm Tuổi Trẻ và Dân Trí.
“Tôi ý thức và tâm niệm, đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng còn sống trở về là sung sướng, hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia,” ông Cường được dẫn lời nói trước Quốc hội, kể lại lúc ông xung phong đi bộ đội vào tháng 2 năm 1975.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Cường, vốn có xuất thân từ quân đội, cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh, và xây dựng quân đội để đảm bảo “luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Ông Cường được giới thiệu làm chủ tịch nước sau Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi giữa tháng 9. Ông sẽ phục vụ thời gian còn lại của nhiệm kỳ là khoảng hơn 1 năm cho đến giữa năm 2026 khi Quốc hội Việt Nam nhóm họp bầu nhiệm kỳ mới.
Theo tiểu sử tóm tắt được báo Tin Tức đăng tải, ông Cường năm nay 67 tuổi, quê quán ở tỉnh Phú Thọ và trưởng thành từ quân đội. Ông vào Bộ Chính trị vào đầu nhiệm kỳ khóa 13 năm 2021 mà khi đó ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi bà Trương Thị Mai bị Đảng kỷ luật và mất chức Thường trực Ban bí thư tại Hội nghị trung ương 9 hồi tháng 5, ông Cường đã lên thay bà Mai.
Ông là vị chủ tịch nước thứ 4 của Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sau các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, Việt Nam đã trải qua 4 đời chủ tịch nước, con số kỷ lục từ trước đến nay vốn cho thấy biến động chưa từng thấy trong nội bộ Đảng.
Được Quốc hội bầu hôm 22/5, ông Tô Lâm đã giữ chức chủ tịch nước tròn 5 tháng cho đến khi được thay thế. Với việc bàn giao chức vụ này, vốn chủ yếu mang tính nghi lễ với những công việc như tiếp quốc khách, thăm viếng, khen thưởng, ông Tô Lâm hiện chỉ làm tổng bí thư chứ không kiệm nhiệm 2 chức như trước vào lúc Đảng Cộng sản đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Việc bổ nhiệm ông Cường làm chủ tịch nước mới là một “động thái ổn định hệ thống” sau thời kỳ hỗn loạn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có tru sở ở Singapore, nhận định với AP.
“Việc bổ nhiệm ông Lương Cường thể hiện nỗ lực có chủ đích nhằm khôi phục sự cân bằng giữa các phe phái quân đội và công an của Việt Nam, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng năm 2026,” ông Giang nói với hãng tin Mỹ.
“Bằng cách nhường lại chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm cho thấy cam kết của mình đối với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đồng thời vẫn giữ được quyền lực quyết định trong hệ thống.”
Ba trong bốn chức danh lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam hiện nay, vốn thường được gọi là tứ trụ, đều nằm trong tay giới công an và quân đội. Nếu như ông Cường có xuất thân từ quân đội thì ông Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đi lên từ công an. Chỉ có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là có xuất thân dân sự.
Nếu tính trong Bộ Chính trị thì cánh vũ trang hiện chiếm hơn một nửa với 8 trong số 15 ủy viên, trong đó có 3 người bên quân đội là Chủ tịch nước Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong khi cánh công an có đến 5 ủy viên Bộ Chính trị là ông Lâm, ông Chính, phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Hiện chưa có thông tin về việc ai sẽ lên thay ông Cường lên làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ chuyên xử lý công việc hàng ngày của Đảng.
Những người chỉ trích thì cho rằng việc bổ nhiệm ông Cường sẽ mở rộng đàn áp ở Việt Nam.
Ông Ben Swanton của Dự án 88, một nhóm ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, nói với AP rằng ông Cường sẽ là "phụ tá đáng tin cậy" của ông Lâm.
“Việc đưa Lương Cường lên làm chủ tịch nước là một ví dụ nữa về sự mở rộng của nhà nước cảnh sát ở Việt Nam”, ông Swanton nói.
Diễn đàn