Đường dẫn truy cập

Miền Trung sơ tán hơn 300.000 cư dân trước bão Vamco


Bão Vamco khi bắt đầu đổ bộ vào khu vực thàh phố Legazpi của Philippines vào chiều ngày 11/11/2020.
Bão Vamco khi bắt đầu đổ bộ vào khu vực thàh phố Legazpi của Philippines vào chiều ngày 11/11/2020.

Hàng triệu cư dân ở các tỉnh miền Trung vừa được yêu cầu nghỉ làm việc và không được ra khỏi nhà kể từ trưa 14/11 khi cơn bão Vamco (bão số 13) dự báo sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Nhà chức trách địa phương cũng có kế hoạch di dời hơn 300.000 cư dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Trước đó, bão Vamco khi đổ bộ vào Philippines đêm 12/11 gây thiệt mạng cho ít nhất 39 người và 22 người mất tích. Tính đến ngày 13/11, giới hữu trách Philippines cho biết họ đã giải cứu được hơn 138.000 cư dân bị mắc kẹt và tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Cơn bão cũng làm cho hàng triệu người bị mất điện và gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận.

Rời khỏi Philippines vào chiều 12/11, bão Vamco di chuyển ra hướng Biển Đông và dự kiến ​sẽ đổ bộ vào Việt Nam vào thứ Bảy (14/11).

Tin cho hay hiện các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có kế hoạch di dời khoảng 315.000 người dân khỏi các khu vực có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 12 giờ trưa 14/11, thực hiện sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, khu vực ven biển và nơi có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất trước 11 giờ trưa 14/11. Nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi và phải neo đậu an toàn trước 3 giờ chiều 13/11.

Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu toàn bộ người dân không ra đường từ 6 giờ chiều 14/11, di dời gần 66.000 cư dân trước 10 giờ ngày 14/11.

Tỉnh Quảng Trị cũng phát công điện khẩn yêu cầu thực hiện cấm biển từ 2 giờ chiều 13/11 và chuẩn bị sơ tán 94.000 người nếu bão đổ bộ.

Khu vực miền Trung gần đây bắt đầu thực hiện bắn pháo hiệu để cảnh báo cho ngư dân và tàu thuyền trên biển khi bão tiến vào gần bờ.

Dự báo khí tượng cho biết đến 10 giờ tối 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc và 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa. Ở vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến giờ chiều ngày 14-11, tâm bão trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Kể từ sáng 14-11, khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau đó tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Từ ngày 14 đến 16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm. Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.

Trong vòng 1,5 tháng qua, miền Trung liên tục hứng chịu 8 cơn bão liên tiếp, khiến 243 người chết và mất tích. Khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy, ước tính gây thiệt hại về kinh tế lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ đô la), theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào ngày 13/11. Tổ chức quốc tế này kêu gọi chính phủ Việt Nam phải “hành động khẩn cấp” để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai trước những rủi ro do thiên tai gây ra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG