Đường dẫn truy cập

Môi trường kinh doanh ‘Việt Nam vượt Trung Quốc nhưng chớ rung đùi’


Báo cáo thường niên 'Doing Business' của Ngân hàng Thế giới tăng hạng Việt Nam do cải thiện trong môi trường đầu tư.
Báo cáo thường niên 'Doing Business' của Ngân hàng Thế giới tăng hạng Việt Nam do cải thiện trong môi trường đầu tư.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam cải thiện đáng kể trong năm qua, vượt qua nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc.

Việt Nam hiện đứng thứ 68 trên tổng số 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát, tăng 14 bậc so với vị trí trong báo cáo năm ngoái. The Saigon Times cho rằng đây là “một bước nhảy vọt” so với năm trước.

Báo cáo thường niên ‘Doing Business’ mà WB công bố hôm 31/10 ghi nhận Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế cải thiện nhiều nhất trong 3 hoặc nhiều hơn các lĩnh vực được đánh giá từ 2016 đến 2017.

Nhận xét về đánh giá của WB, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, nói điều này cho thấy những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

"Ngân hàng Thế giới, cụ thể là IFC, trong đánh giá về môi trường kinh doanh ‘Doing Business’ đã nâng hạng Việt Nam từ 82 lên 68 và như vậy là vượt qua Philippines và một số các nước khác," theo Tiến sỹ Doanh. "Việt Nam đã có một số cải thiện rất rõ rệt ví dụ như sự tiếp cận đối với điện hay việc trả thuế. Nhưng trong khi đó, một số hạng mục như bảo vệ nhà đầu tư nhỏ và việc giải quyết các thủ tục về giải thể phá sản thì ít có tiến bộ."

Cựu giám đốc Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng “còn nhiều thủ tục, còn gọi là điều kiện kinh doanh, và các thủ tục về giám sát kiểm tra còn chồng tréo và chưa hợp lý làm cho chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh ở Việt Nam vẫn đang còn cao.”

Một trong những bất cập lớn đang làm cản trở môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà kinh tế gia này nhắc tới là các “chi phí ngoài pháp luật” mà các doanh nghiệp phải trả để ‘bôi trơn.’

"Do một số quan chức vẫn đòi hỏi phải có chi phí ‘bôi trơn’ thì mới có thể làm thủ tục được nhanh đúng thời hạn," TS Doanh cho biết. "Mà doanh nghiệp thì sốt ruột, họ phải bảo đảm xuất khẩu, họ phải bảo đảm các yêu cầu để giao hàng. Cho nên họ sẵn sàng chi trả mặc dù rất than phiền."

Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 công bố đầu năm nay, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí ‘bôi trơn’ cho quan chức địa phương. Theo báo cáo này, chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí có xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013.

Mặc dù vậy, theo báo cáo mới của WB, Việt Nam đã cải thiện để tăng hạng nhờ vào những thành quả đạt được trong nộp thuế, tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, cấp phép xây dựng và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Với vị trí mới, Việt Nam bỏ xa Ấn Độ trên vị trí 100 dù nước này được đánh giá là có sự cải thiện nhiều nhất về môi trường kinh doanh và có bước nhảy vọt cao nhất với 30 bậc trong báo cáo của WB.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB đánh giá tốt hơn Trung Quốc trên thứ hạng 100.

Nhưng kinh tế gia Lê Đăng Doanh cảnh báo Việt Nam không nên vì thế mà hài lòng. "Việt Nam cần phải cố gắng tiếp tục, chứ không thể dừng lại ở bất kỳ một thành tích nào. Hoàn toàn chưa có lý do gì để Việt Nam có thể tự mãn và có thể yên tâm rung đùi và rằng đấy là một vị trí tốt rồi."

Theo bảng xếp hạng, Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Singapore (thứ 2); Malaysia (thứ 24); Thái Lan (thứ 26); và Brunei (thứ 56); nhưng đứng trên Indonesia (thứ 72) và Philippines (thứ 113).

Môi trường kinh doanh Việt Nam vượt Trung Quốc
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:23 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG