Đường dẫn truy cập

Một cách mới để lãnh đạo Thế giới tự do – Hoa Kỳ và thế giới hậu Covid


Tư liệu- Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Concordia Europe ở Athens, Hy Lạp, ngày 7/6/2017.
Tư liệu- Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Concordia Europe ở Athens, Hy Lạp, ngày 7/6/2017.

Đúng 12 giờ trưa ngày 20/1/2021, Hoa Kỳ sẽ tổ chức Lễ Tuyên thệ nhậm chức cho vị Tổng thống thứ 46 - Joe Biden. Ngay lập tức, ông sẽ phải đối đầu với nhiều vấn đề nan giải: trong nội bộ và trên trường quốc tế trong bối cảnh một đại dịch đang đẩy thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, vào “mùa đông ảm đạm nhất”, như khuyến cáo của các nhà khoa học.

Trong nội bộ, ông Biden sẽ phải hàn gắn những sự chia rẽ sâu xa trong dân chúng, vực dậy một nền kinh tế bị tàn phá, “gầy dựng lại tốt hơn” một xã hội đã bị đại dịch và chia rẽ chính trị biến đổi cả bộ mặt đến mức không còn nhận ra được, một đất nước nơi đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người, với số ca tử vong mỗi ngày tương đương với số người chết trong vụ khủng bố 11/9/2001, một đất nước nơi mà nạn thất nghiệp tràn lan vì dịch đã khiến lần đầu tiên, nhiều người phải rồng rắn xếp hàng nhận lương thực miễn phí.

Về mặt đối ngoại, trong một thế giới đầy bất định giữa “trận dịch thế kỷ”, một điều hầu như chắc chắn sẽ xảy ra là những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các nước cạnh tranh, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ diễn ra gay gắt hơn cả trước khi đại dịch bộc phát.

Thừa cơ hội Hoa Kỳ đang khó khăn khống chế đại dịch, và việc Mỹ phần nào đã tự cô lập với chính sách “Nước Mỹ Trên Hết”, tấn công cả bạn lẫn thù, Bắc Kinh đã thách thức vai trò lãnh đạo thế giới tự do mà Hoa Kỳ đảm trách từ sau Thế Chiến thứ Hai nhằm duy trì “Pax Americana”, một nền trật tự đã cho phép thế giới phát triển trong hòa bình.

Trong bối cảnh một thế giới có nhiều thay đổi với sự trỗi dậy của nhiều chế độ độc tài, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói Hoa Kỳ có một cơ hội mới để lãnh đạo thế giới tự do, và huy động các đồng minh để cùng nhau lật ngược xu hướng độc tài trên thế giới.

Trong một bài viết trên báo Wall Street Journal, ông Rasmussen nói rằng trong năm 2021, Hoa Kỳ và các nước đồng minh có một cơ hội "chỉ đến một lần trong một thế hệ" để lật ngược xu hướng thoái hóa của chủ nghĩa dân chủ, và chặn lại các nền chuyên chế như Nga và Trung Quốc. Điều đó, theo ông, sẽ xảy ra nếu các nền dân chủ lớn đoàn kết lại để theo đuổi chủ nghĩa tự do.

Nhưng ông khuyến cáo Tổng thống tân cử Joe Biden rằng ông không thể vặn ngược chiều kim đồng hồ để trở lại cái thế giới đa cực của cách đây 4 năm, khi mà các nước độc tài thu phục từng chế độ dân chủ một, bằng cách đánh đổi đầu tư chiến lược hay cung cấp năng lượng giá rẻ để đổi lấy sự hậu thuẫn của các nước đó.

Ông Rasmussen nói cho phép các đồng minh bán đi an ninh kinh tế của mình trong khi cùng lúc trông đợi “Chú Sam” tiếp tục duy trì ô dù an ninh quân sự chỉ lót đường cho thêm một chính quyền tự cô lập theo kiểu Tổng thống Trump chiếm được Tòa Bạch Ốc trong 4 năm nữa.

Cựu Tổng thư ký Nato Rasmussen nói thay vào đó, Washington nên tập trung tạo ra niềm tin mới cho thế giới tự do, điều mà các xã hội tự do, vốn cho phép các ý kiến đối lập và bất đồng, thường không có. Ông nói trong cương vị Tổng thư ký NATO, ông đã từng tìm cách xây dựng các liên kết đó trên khắp thế giới, tạo ra các quan hệ đối tác mới, củng cố các đối tác hiện có với các nền dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc và Hàn quốc.

Ông nhận xét rằng gần đây, thế giới đã chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa độc tài, trong bối cảnh công nghệ đã tiến tới mức có thể trở thành một công cụ cho tự do, cũng như để đàn áp. Cách đây 5 năm, một liên minh các nền dân chủ là một mục tiêu cao đẹp đang thành hình, ngày nay liên minh đó là thiết yếu để giải quyết các vấn đề khẩn cấp của thế giới.

Theo ông Rasmussen, Hoa Kỳ phải đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đó, bởi vì Hoa Kỳ là nước duy nhất có đủ sức mạnh và ảnh hưởng để làm việc đó. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Hoa Kỳ vẫn duy trì được nền dân chủ của mình, và các cuộc bầu cử năm 2020 là một cuộc trắc nghiệm về sức mạnh và tính bền bỉ của nền dân chủ Mỹ.

Ông Rasmussen nói Hoa Kỳ đã vượt qua được cuộc trắc nghiệm để bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền hành có trật tự, ngay cả khi chính nhà lãnh đạo quốc gia đặt nghi vấn về tính chính đáng của tiến trình dân chủ.

Ông Rasmussen nói giờ đây các đồng minh của Mỹ - mệt mỏi vì những sự chia rẽ trong thế giới tự do - đang sẵn sàng hợp tác với Tổng thống tân cử Joe Biden. Ông Rasmussen nói họ nóng lòng trông đợi một nhà lãnh đạo cương quyết, và theo kinh nghiệm, ông tin rằng ông Biden sẽ nắm lấy cơ hội này.

Ông Rasmussen nói Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo nỗ lực này, nhưng Hoa Kỳ sẽ “không đơn độc”. Ông nói các nền dân chủ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Đài Loan tới Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo đồng chí hướng, ủng hộ dân chủ, để chống lại lối hành xử lấn át của Trung Quốc.

Tại châu Âu, sau Brexit, nước Anh sẽ chủ trì Thượng đỉnh G7 trong năm 2021, quy tụ các nền dân chủ và kinh tế hàng đầu của thế giới. London dự định dùng cơ hội này để gọi là “mở cửa cho thế giới tự do”, và thả nổi khả năng thành lập một hội nghị “Democratic 10”, hay D-10, để mời các nền dân chủ lớn khác như Ấn Độ, Úc và Hàn quốc ngồi xuống bàn hội nghị.

Nhưng không phải tất cả các đồng minh của Mỹ đều được thuyết phục về sự cần thiết của một liên minh dân chủ toàn cầu. Pháp và Đức có thể lo ngại là một liên minh các nền dân chủ thế giới có thể giảm bớt vai trò trung tâm của một hệ thống đa phương toàn cầu do Liên Hiệp Quốc đại diện. Và sự hồi sinh của liên minh xuyên Đại Tây Dương có thể cản trở kế hoạch tăng cường tính độc lập chiến lược của Châu Âu, tách khỏi Hoa Kỳ.

Ông Rasmussen nói củng cố liên minh dân chủ toàn cầu sẽ cho phép các nước thành viên xây dựng lại chủ nghĩa đa phương, chứ không bỏ qua nó. Và Châu Âu cần tiếp tục tự lập, và đầu tư nhiều hơn vào an ninh của chính họ, bởi vì một Châu Âu hùng mạnh hơn có nghĩa là một thế giới tự do hơn.

Cựu Tổng thư ký Nato Rasmussen nói Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò trung tâm trong trật tự thế giới mới, bởi vì 4 năm vừa qua cho thấy là chủ nghĩa Tự do đã thoái lui khi mà Hoa Kỳ từ khước vai trò lãnh đạo thế giới, và bây giờ đã tới lúc nên xây dựng một liên minh các nền dân chủ toàn cầu.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm phân tích Chính sách Châu âu (CEPA) Edward Lucas, từng là Biên tập của tờ The Economist, nói rằng chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” không hữu hiệu khi Hoa Kỳ phải đối phó với một nước đối nghịch toàn cầu như Trung Quốc.

Ông nói các nước trong liên minh xuyên Đại Tây Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, và các nước dân chủ ở Đông Á, như Nhật Bản, Hàn quốc, không có một chiến lược rõ rệt để đối phó với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của họ. Ông nói ngược lại Đảng Cộng sản Trung Quốc có một chiến lược để đối phó với các đối thủ.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn có một trật tự thế giới trong đó họ đóng vai trò soạn thảo luật chơi, chứ không phải là nước phải tuân thủ luật chơi của các nước khác”.
Edward Lucas,nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm phân tích Chính sách Châu âu (CEPA)/ Cựu Biên tập của The Economist

Ông cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành chiến lược đó một cách quyết đoán, và khai thác những điểm yếu của các đối thủ về mọi phương tiện: ngoại giao, kinh tế, chính trị, và xã hội. Những chiến thuật của Trung Quốc gồm kiểm duyệt và thao túng hệ thông thông tin, hoạt động trên mạng, tuyên truyền, dùng thương mại và đầu tư như một công cụ, và cả phô trương và đe dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự.

Ngược lại, Hoa Kỳ và các đồng minh không có mục tiêu rõ rệt. Hướng tiếp cận của họ được đặt trên ý niệm sai lầm rằng toàn cầu hóa, sự thịnh vượng và công nghệ sẽ tự do hóa Trung Quốc. Họ đánh giá thấp những nhược điểm của chính họ, họ tự chế, không khai thác những điểm yếu của Trung Quốc. Họ ưu tiên các lợi ích kinh tế trước mắt và không chú ý tới các mục tiêu chiến lược lâu dài.

Ông nói các nền dân chủ thế giới không thiếu tài lực, nhưng họ cần xác định các mục tiêu, ưu tiên, và tận dụng óc sáng tạo để sử dụng các nguồn tài lực một cách hữu hiệu nhất.

Nhà phân tích cho rằng mặc dù nắm được tham vọng bá chủ của Trung Quốc, nhưng chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” đã khiến chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ đồng minh và rút ra khỏi các chiến trường. Ông đơn cử quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), như vậy càng cho phép Trung Quốc tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong chính sách y tế toàn cầu.

Chuyên gia này nói mục tiêu của các nền dân chủ, không phải là lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay kiềm hãm Trung Quốc theo kiểu Chiến tranh Lạnh bởi vì Trung Quốc quá lớn, quá quan trọng và liên kết quá chặt chẽ với các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như với các thị trường tài chính, cho nên mục đích của liên minh các nền dân chủ là kiềm hãm cách hành xử có hại của Trung Quốc.

Ông nói những sáng kiến bị chính quyền Tổng thống Trump bác bỏ như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương nên được xét lại.

Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, vai trò của các nhóm như D-10, quy tụ 10 nền dân chủ hàng đầu thế giới, cũng như Sáng kiến Tam Hải (The Three Seas Initiative), bao gồm 12 quốc gia dân chủ, các quốc gia thành viên EU, nằm giữa ba vùng biển - biển Baltic, biển Đen và biển Adriatic, và Liên minh Tình báo Five Eyes Plus, cần được phát huy.

VOA Express

XS
SM
MD
LG