Đường dẫn truy cập

Một loạt vụ xử các nhà hoạt động ở Trung Quốc cho thấy điều gì? 


Ông Chu Thế Phong tại phiên tòa xét xử ngày 4/8/2016.
Ông Chu Thế Phong tại phiên tòa xét xử ngày 4/8/2016.

Tuần trước, Trung Quốc đã đưa bốn người bảo vệ nhân quyền ra xét xử, và sau đó, tuyên án mỗi người từ ba tới bảy năm tù vì tội lật đổ chính quyền. Nhưng các tổ chức nhân quyền và những nhà quan sát cho rằng đó là các vụ “xét xử giả tạo” hay “màn kịch chính trị”, và ở một mức độ nào đó giống như vụ Thanh trừng Moscow khét tiếng vào cuối những năm 1930. Ngoài ra, một số người cũng cho rằng nó cho thấy xã hội dân sự ở Trung Quốc vẫn chưa thực sự có chỗ đứng.

Luật sư nhân quyền Lương Tiểu Quân, người đại diện cho nhà hoạt động nhân quyền Hồ Thạch Căn trong những vụ án trước đó, nhận định với VOA:

"Lịch sử luôn lặp lại. Một loạt những vụ xét xử này nhắc nhở chúng ta về các vụ xử ở Moscow thời kỳ còn tồn tại Liên bang Soviet, trong đó tất cả những bị cáo đều nhận tội và tuyên bố mình là kẻ xấu xa không thể tha thứ trong khi ca tụng lãnh tụ Joseph Stalin”.

Những vụ xét xử Moscow thời kỳ Liên bang Soviet nhìn chung được xem là một phần trong cuộc thanh trừng của Stalin, nhắm vào những đối thủ mà người ta ngờ rằng không thực sự có tội.

Ông Hồ và ba nhà hoạt động người Trung Quốc khác là Trạch Nham Dân, Chu Thế Phong và Câu Hồng Quốc bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Số 2 Thiên Tân từ thứ Ba đến thứ Sáu tuần trước. Tất cả đều bị tuyên án tù sau phiên tòa xét xử.

Không cứu xét bằng chứng hoặc cho bị cáo cơ hội lên tiếng biện hộ chống lại cáo buộc lật đổ chính quyền, những phiên tòa này gói gọn chỉ trong vài giờ đồng hồ và với các bản án chủ yếu dựa trên lời thú tội được đưa ra, sau khi các bị cáo đã bị biệt giam 13 tháng và không được cho phép lựa chọn luật sư bào chữa. Cả bốn bị cáo đều hứa sẽ không kháng án.

Ông Chu Thế Phong phát biểu trước tòa án hôm thứ Năm tuần trước: "Phiên tòa xét xử hôm nay khiến tôi nhận ra tội lỗi của mình. Hành vi trong quá khứ của tôi đã gây tổn hại tới đảng và chính phủ. Tôi xin bày tỏ sự ăn năn sâu sắc nhất tới chính phủ".

Ông Chu là giám đốc công ty luật Phong Nhuệ ở Bắc Kinh, tâm điểm của cuộc đàn áp của chính phủ nhắm vào khoảng 300 người bảo vệ pháp lý, sau khi họ thụ lý những vụ án nhạy cảm mà trong đó khách hàng của họ đã thách thức chính quyền.

‘Ngẩng cao đầu’

Ông Lương cho biết những vụ xét xử vào tuần trước chắc chắn đã trao một thắng lợi chính trị cho chính quyền sau khi ép các bị cáo làm theo ý muốn của mình.

Một bài xã luận của CCTV, đài truyền hình trung ương của Trung Quốc, mô tả những nhà hoạt động đã âm mưu "phá sập bức tường," hoặc tìm cách khơi mào một cuộc "cách mạng màu" nhằm lật đổ chế độ, nhưng cuối cùng lại bị trấn áp.

Ông Lương thừa nhận rằng ông thất vọng về kết cục của những phiên tòa xét xử tội lật đổ chính quyền hồi tuần trước, đặc biệt là sau khi luật sư nhân quyền Kitô giáo Trương Khải xuất hiện tại tòa án để công khai ủng hộ điều mà ông từng nói là những thủ tục pháp lý có vấn đề.

Nhưng ông Lương nói ông vẫn tin tưởng rằng những nhà hoạt động bị đưa ra xét xử trong tương lai sẽ giữ vững niềm tin của họ. Ông nói thêm:

"Chúng tôi mong muốn những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ sẽ sớm được trả tự do. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn họ ngẩng cao đầu và không nhận tội. Điều đó sẽ khơi gợi một nguồn cảm hứng và động lực tinh thần to lớn cho xã hội dân sự Trung Quốc".

Những nhà phân tích nói rằng việc những bị cáo có thể không được tự do nói lên suy nghĩ của mình, đặc biệt là khi sự an toàn của người thân họ đang bị đe dọa, cũng là điều dễ hiểu.

Ông Tăng Kiến Nguyên, phó giáo sư tại Đại học Trung Hoa ở Đài Loan, nhận định rằng xã hội Trung Quốc vẫn còn thiếu một lực lượng mạnh mẽ để giám sát một cách hữu hiệu, sự tuân hành thủ tục pháp lý của chính phủ trong việc xử lý những luật sư và những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ.

Ông nói: "Đáng tiếc là ở Trung Quốc, nơi mà mọi thứ được kiểm soát chặt chẽ, không có những lực lượng xã hội bất thiên vị và đủ mạnh để thách thức hoặc đặt nghi vấn về cách thức Đảng Cộng sản xử lý cuộc đàn áp ngày 9 tháng 7 nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền".

Những tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, Nhóm Quan tâm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc (CHRLC) và tổ chức Những Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, đã đứng ra kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngay lập tức bãi bỏ cả bốn bản án, chấm dứt những phiên tòa xét xử mang tính hình thức và trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền còn lại.

CHRLC nói trong thông cáo báo chí: "Cần phải xem xét để buộc phía Công an, Kiểm sát và Tòa án ở cả cấp trung ương lẫn địa phương chịu trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi bất hợp pháp và những hành vi lạm quyền phát sinh trong việc xử lý các vụ việc trên."

Chủ tịch CHRLC Hà Tuấn Nhân, cũng là một chính trị gia ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp của Hong Kong, cho biết: "Vấn đề không phải nằm ở quan điểm bất đồng chính kiến mà là ở chế độ. Họ hoang tưởng, sợ hãi chính người dân".

Theo ông Hà, chính quyền Trung Quốc dự định sẽ đưa những người bảo vệ nhân quyền bị câu lưu còn lại ra xét xử trước cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản vào tháng 11 tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG