Đường dẫn truy cập

Một năm đại dịch định hình lại đáng kể nền kinh tế Mỹ


Chính phủ Mỹ cứu trợ nền kinh tế với nhiều khoản chi khổng lồ.
Chính phủ Mỹ cứu trợ nền kinh tế với nhiều khoản chi khổng lồ.

Đại dịch cả thế kỷ mới xảy một lần đã kéo dài được một năm, khiến hàng triệu người mất việc làm và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, dù nhiều công việc bị cắt giảm, nhìn chung, người Mỹ vẫn đạt được mức tiết kiệm cao kỷ lục, nhờ vào trợ cấp của chính phủ dành cho những người thất nghiệp, trong khi những người được hưởng lương cao hơn để ra được nhiều tiền khi họ làm việc ở nhà.

Dưới đây là những điểm chính về kinh tế Mỹ sau một năm:

Thị trường việc làm được tái định hình

Sau những đợt sa thải ồ ạt vào mùa xuân năm ngoái (2020) khi nền kinh tế bị đóng cửa, hơn một nửa số công việc đã phục hồi. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng kể từ mùa hè 2020 đã chậm lại. Hiện tại, trong nền kinh tế, số người có việc làm vẫn thấp hơn so với trước đại dịch tới 9,5 triệu người.

Các nhà hàng, hãng hàng không và khách sạn bị tàn phá nặng nề. Với việc ngày càng nhiều người Mỹ dùng mạng để đặt mua đồ ăn, hàng tạp hóa và hàng gia dụng, nghề tài xế giao hàng trở thành nguồn tăng trưởng việc làm lớn nhất thời đại dịch. Hoạt động bán lẻ qua mạng cũng tạo thêm nhiều công việc, chủ yếu là tăng thêm các công việc về kho bãi.

Các doanh nghiệp nhỏ hết sức chật vật

Hiện chưa rõ có bao nhiêu doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa vĩnh viễn, nhưng các nhà kinh tế và trang Yelp (chuyên chấm điểm các hãng kinh doanh) ước tính có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa. Hãng Womply, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác cho doanh nghiệp, ước tính rằng từ 1/3 tới một nửa tổng số quán bar vẫn đóng cửa ở nhiều bang, tương tự là ít nhất 1/4 các nhà hàng và 1/3 các tiệm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Ngành du lịch, lữ hành lao đao

Hôm 14/4/2020, Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải chỉ kiểm tra an ninh 87.000 hành khách tại các sân bay của Hoa Kỳ - giảm tới 96%, mức đáng kinh ngạc, so với cùng ngày của năm 2019. Ngay cả đầu tháng này, lượng hành khách qua kiểm tra an ninh sân bay vẫn giảm 43% so với một năm trước. Hiện chưa rõ khi nào ngành du lịch sẽ hồi phục hoàn toàn, thậm chí không ai dám chắc ngành này có phục hồi hay không.

Số người cần thuê phòng khách sạn cũng ít hơn rất nhiều. Vào cuối tháng 2/2021, tỷ lệ kín phòng khách sạn ở Mỹ chỉ đạt 48%, giảm 1/4 so với một năm trước, theo công ty dữ liệu thị trường STR.

Thị trường chứng khoán thách thức đại dịch

Thị trường Phố Wall tăng điểm mạnh trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch, sau khi bật dậy từ đợt lao dốc đáng sợ lúc đầu dịch. Giờ đây, gần một năm sau khi các chỉ số phi lên như tên lửa bắt đầu vào cuối tháng 3/2020, nhiều người lo ngại rằng mức tăng của thị trường chứng khoán có thể là quá nhiều, quá nhanh.

Người ta cho rằng thị trường tăng điểm phần lớn là do công (hay tội) của Cục Dự trữ Liên bang. Cơ quan này đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để trợ giúp nền kinh tế và thị trường tài chính. Lợi tức trái phiếu siêu thấp làm dấy lên hy vọng về lợi nhuận của các công ty và thúc đẩy sự quan tâm đến cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm giữa lúc có đại dịch.
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm giữa lúc có đại dịch.

Một số người đặt tên cho chuyện người người nhà nhà lao vào mua cổ phiếu là tình trạng “Không có sự lựa chọn nào khác”, viết tắt theo tiếng Anh là TINA. Đó là hoàn cảnh mà các nhà đầu tư cảm thấy rằng với lợi suất trái phiếu quá thấp, họ chỉ còn mỗi một cách là mua cổ phiếu.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là có sự hào hứng dâng cao dành cho cổ phiếu trong thế hệ các nhà đầu tư mới, trong đó có một số người bị mắc kẹt ở nhà, quá rỗi rãi nên cần giết thời gian trong khi lại có các ứng dụng giao dịch chứng khoán miễn phí trên điện thoại của họ.

Bán hàng qua mạng có lợi cho người tiêu dùng

Doanh số của thương mại điện tử ở Hoa Kỳ đã tăng nhanh hơn doanh số bán lẻ nói chung tới 22,5% kể từ khi có đại dịch, theo Retail Metrics Inc. Con số này tăng từ mức 6% trong thập kỷ trước khi có virus corona.

Các dịch vụ bán hàng qua mạng, vốn đã được các hãng có giá phải chăng như Target và Walmart thực hiện, được nhiều cửa hàng áp dụng hơn, bao gồm cả Macy và Kohl. Đồng thời, nhu cầu mua đồ ăn giao tại nhà ở Mỹ đã tăng 137% vào năm ngoái, theo NPD Group.

Các chuyên gia cho rằng lượng khách tới các cửa hàng và nhà hàng có khả năng sẽ không hoàn toàn quay trở lại mức cũ - một xu hướng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người lao động trong các ngành đó. Một ví dụ là cho dù doanh số tăng vọt, song Best Buy tháng trước đã sa thải 5.000 nhân viên chính thức vì hãng này giờ đây tập trung nhiều hơn vào bán hàng qua mạng.

Chính phủ mở rộng hầu bao

Với tình trạng công ăn việc làm bị bốc hơi và thu nhập của nhiều hộ gia đình bị giảm, chính phủ liên bang vào cuộc bằng cách đổ tiền ào ạt để cứu trợ tài chính. Cuộc cứu trợ này bao gồm hơn 1 nghìn tỷ đô la cấp trực tiếp cho người dân và khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung, theo tổ chức có tên Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm.

Với một loạt các luật để chi hơn 4 nghìn tỷ đô la, chính phủ Mỹ cũng đã cung cấp các khoản vay (sau này có thể được xóa nợ) cho các doanh nghiệp nhỏ, các khoản trợ cấp cho người thuê nhà và trợ giúp cho các nhân viên y tế. Hiện tại, sắp có thêm 1,9 nghìn tỷ đô la từ luật về giải cứu kinh tế của Tổng thống Joe Biden vừa được Quốc hội thông qua.

Khoảng 550 tỷ đô la đã được chi để hỗ trợ những người mất việc làm trong năm 2020, cao hơn gấp ba lần tổng số tiền chi vào năm 2010, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất là 9% trong cả năm. (Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 7% trong năm tháng qua.)

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng khi con số người nhiễm virus giảm dần và người tiêu dùng tăng cường chi tiêu, luồng tiền mặt đổ vào sẽ đẩy lạm phát tăng nhanh, có thể buộc Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất và làm hạn chế sự phục hồi kinh tế. Nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nếu giá cả có tăng chút nào đáng kể, điều đó có thể chỉ là tạm thời.

Tiết kiệm tăng mạnh

Phần lớn khoản trợ cấp tài chính từ chính phủ Mỹ cuối cùng lại không trở thành các khoản chi tiêu của người tiêu dùng mà chuyển thành tiền tiết kiệm nằm trong tài khoản ngân hàng của người Mỹ. Điều này tiềm tàng tạo nên một đợt bùng nổ chi tiêu sau này, từ đó có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Mỹ 3 lần gửi séc cứu trợ đến người dân trong thời gian đại dịch.
Chính phủ Mỹ 3 lần gửi séc cứu trợ đến người dân trong thời gian đại dịch.

Việc cấp cho người dân các tấm séc kích thích kinh tế trị giá 600 đô la hồi tháng 1 đầu năm nay, cùng với khoản 300 đô la trợ cấp thất nghiệp bổ sung, đã giúp tăng lượng tiền tiết kiệm của người Mỹ lên 3,9 nghìn tỷ đô la vào tháng 1, như vậy là gấp ba lần mức trước đại dịch.

Các hộ gia đình thuộc diện ít tiền đã chi tiêu nhiều hơn từ các khoản cứu trợ nhận được. Khi người dân nhận séc 1.200 đô la hồi mùa xuân năm ngoái, cùng với 600 đô la trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của liên bang, những người Mỹ thuộc 1/4 số hộ gia đình nghèo nhất lúc đầu tiết kiệm được một phần trong số tiền đó. Nhưng đến tháng 10, những hộ gia đình này đã tiêu gần hết, theo nghiên cứu của JPMorgan Chase Institute. Cuộc nghiên cứu cho thấy họ cần tiền để thuê nhà, chi cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Ngược lại, các gia đình có thu nhập cao hơn cắt giảm chi tiêu cho du lịch, giải trí, thẻ thành viên phòng gym và các dịch vụ khác, nên họ liên tục có mức tiết kiệm cao hơn trong năm ngoái.

Làm việc ở nhà

Nhiều năm nay, các chuyên gia dự đoán rằng kết nối internet băng thông rộng với tốc độ nhanh hơn, phần mềm họp qua đường truyền video và điện toán đám mây sẽ giải phóng nhiều nhân viên khỏi sự gò bó của văn phòng và cho phép họ làm việc ở bất cứ nơi nào. Song phải đến khi có trận đại dịch, tầm nhìn đó mới trở thành hiện thực.

Trước đại dịch, chỉ có 7% người Mỹ làm việc tại nhà, theo khảo sát của Bộ Lao động. Vào tháng trước, chính phủ Mỹ xác định rằng có khoảng 23% nhân viên làm việc từ xa vì đại dịch. (Con số này đã trừ đi những người từng làm việc từ xa trước đây.)

Làm việc từ xa dường như chắc chắn sẽ trở thành chuyện phổ biến hơn sau đại dịch. Nhiều công ty, chủ yếu là các công ty công nghệ như Salesforce và Spotify, cho biết họ sẽ tiếp tục cho phép làm việc từ xa.

Đại dịch làm tệ thêm sự bất bình đẳng

Tình trạng mất việc làm trong thời kỳ đại dịch xảy ra nặng nề hơn đối với người lao động da đen và người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha cũng như những người Mỹ có thu nhập thấp.

Tỷ lệ người Mỹ da trắng, tuổi từ 25 đến 54, có việc làm đã giảm xuống còn 77% vào tháng 1/2021 từ mức 81% hồi tháng 2/2020, trước khi đại dịch bùng phát.

Đối với người Mỹ da đen, mức giảm lớn hơn một chút, từ 76% xuống 71%. Và đối với người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha, sự sụt giảm thậm chí còn tồi tệ hơn, từ 78% xuống 71%.

Sự khác biệt này phản ánh mức độ bất bình đẳng trước đại dịch: Người lao động da đen và gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha thường thuộc diện làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, sòng bạc và các ngành khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG