Đường dẫn truy cập

Một Nửa


Một Nửa
Một Nửa

Tôi mang chiếc ghế nhựa ra ngồi ngoài cửa. Không một ai. Tôi hài lòng bởi nỗi vắng lặng đang chiếm ngự khoảng trống. Bình thường nó chẳng được vậy. Nhặng xị, ồn ào. Những thứ tiếng khiến người ta điên đầu đã trốn đi. Hôm nay mồng Một, mọi cánh cửa đều đóng kín nơi hành lang dãy nhà trọ, những đứa thuê ngụ trong đó đã về quê ăn Tết; chúng sẽ làm ồn, khuấy động khi gặp lại gia đình, sẽ tận hưởng sự ấm cúng, no đủ cho bỏ những ngày cơ cực.

Tôi đốt thắp một điếu thuốc và ngó thấy cái thau nhôm móp méo đặt ở giữa sân. Hôm qua bà chủ nhà trọ đứng cúng vái ở đó, có thể bà đã đốt vàng bạc áo xống điện thoại di động tư trang vật dụng cho ai kia khuất mặt và cái thau nhôm giờ này hứng đầy tro. Tôi bước lại gần, ném điếu thuốc xuống chiếc gạt tàn vĩ đại. Tôi moi ví da đựng giấy tờ tùy thân sau túi quần ra. Mỏng manh, nó ít khi được chứa nhiều tiền. Một tờ giấy xanh gấp làm tám được mở rộng, tôi đọc chậm rãi, bình tĩnh, từ đầu tới cuối nội dung của bức thư không ghi ngày tháng. Tôi đặt để mắt nhìn có hơi lâu vào hai chữ cuối: Sương Sa. Cô ấy thực sự đã ở một chỗ quá xa, khuất lấp. Có thể do linh tính, cô đã gửi thêm cho tôi một tấm ảnh. Tôi xem lá thư cả ngàn lần, điều này cũng đồng nghĩa là tôi ngắm tấm ảnh này 1001 lần. Ảnh trầy trụa, ngắm hư hao. Tôi thuộc nằm lòng mọi hàng chữ mà Sương Sa đã viết xuống trang thư. Không cần nhìn bề trái tấm ảnh tôi cũng đọc ra hàng chữ: “Chụp hôm sinh nhật tuổi 17”. Màu mực xanh bị nhòe khi vẽ hình một trái tim bé xíu bên dưới. Một trái tim biến dạng, hoen mờ.

Tôi moi bọc áo ra chiếc bật quẹt, đốt cháy lá thư trước, bỏng tay mới đốt tấm ảnh sau. Chúng co quắp nhăn nhíu lại trước khi biến mất. Rồi gió sẽ thổi ngang, tàn tro bay có làm cho mắt ai cay? Tôi đứng cúi đầu, y như khi bà chủ nhà trọ hoàn tất mọi nghi thức cúng kiếng. Bà ấy có vẻ thành tâm, đứng trầm ngâm tựa đang mặc niệm, hoặc hồi tưởng vụn vặt những kỉ niệm từng có với kẻ vắn số.

Tôi bước vào phòng, rửa mặt, lựa bộ đồ màu đen để thay. Tôi tránh nhìn mặt mình trong gương soi, dắt xe gắn máy 50 phân khối ra sân, khởi động. Vặn tay ga, tiếng máy nổ như biết đập cùng nhịp với trái tim. Rầm rộ gào lên từng hồi, và chính nó, đã trấn an tôi. Đội mũ bảo vệ vào đầu bù xù rồi phóng xe ra khỏi lối đi hẹp, nhiều rác rưởi. Tôi chạy qua, lần lượt những con đường quen thuộc. Chỗ này tôi từng có thời theo toán thợ lắp ráp dây điện, đặt để camera thu hình ở mỗi góc. Chỗ nọ tôi từng mặc đồng phục cứng ngắt, ưỡn ngực làm nhân viên bảo vệ, ca đêm… Nói chung tôi là một công nhân viên siêng năng và giỏi chịu đựng. Tôi thích hợp nhanh cho từng công việc, ngành nghề khác nhau. Và quan trọng nhất, tôi chưa hề lãng phí của công. Nói theo phương ngữ xa xưa, tôi là thằng người biết làm chủ tập thể. Do đó, lạ lùng thay, tôi chẳng bao giờ có được cơ hội thăng tiến. Tôi chậm lụt. Tôi không biết “văn hóa phong bì” là thứ gì. Đồng nghiệp có đứa từng chửi thẳng vào mặt tôi: “Đù má mày, muốn máy chạy đều an toàn xa lộ thì phải biết châm nhớt chớ. Có ngày mày sẽ phải chết khô đó con!” Những nhà tiên tri tóc xanh mái đầu ấy đã phán đúng. Tôi chết. Tôi chết. Và tôi chết. Tôi nói tôi giỏi chịu đựng và tôi cứ luôn thay đổi công việc là vì vậy.

Như một giã từ thầm lặng, sau rốt tôi đổi hướng, chạy về bãi trống của bến xe đò liên tỉnh. Một vòng, hai vòng, cuối cùng tôi lựa chọn được một cửa tiệm vắng khách. Tắt máy, dựng chống xe bên bờ lề loang màu ngũ sắc của dầu mỡ. Cởi nón kẹp bên hông, tôi nói với người đàn ông đen đúa đứng án trước cửa: Ông muốn mua chiếc xe này không?

Sau lưng ông thắp sáng ngọn néon xanh lét. Ông ta to lớn dềnh dàng một cách chẳng được bình thường. Áo quần ông mặc vào người không phải là thứ mà người ta ưa chưng diện trong ba ngày tết. Đó là hạng người lao động cần cù và lễ lạc là thứ xa xỉ ông chẳng màng quan tâm. Nhưng nghe câu hỏi của tôi ông tỏ ra có hứng thú. Từ bỏ thái độ lơ là, ông bước lại gần tôi, dáng vẻ linh hoạt. Cần tiền tiêu tết hả chú em? Cây tăm tre cắn giữa hai hàm răng không vì thế mà rơi rụng đi. Hai mươi bốn giờ qua tôi chưa ăn gì cả, ông ta thì tuồng như vừa điểm tâm xong. Cuộc mua bán diễn ra khá nhanh, bởi tôi chẳng phải kẹt tiền tiêu tết. Có lâu lắc chăng là tôi phải để cho ông ta chạy thử một vòng thăm dò tình trạng chiếc xe như lời ông nói. Xong, phải trình thẻ chứng minh nhân dân cho ông xem. Những ngón tay to, u nần ấy soạn viết tươm tất một tờ giấy sang nhượng chủ quyền “cho đúng thủ tục” - chữ ông dùng. Sau cùng, ông bảo, như phát mệnh lệnh: Chú em ký tên ở đây là xong. Ông mời tôi một điếu thuốc Craven A, tự ông bật lửa, đưa tới với hai tay khum. Khuôn mặt giãn nở khi ông thở khói thuốc, như nghệ sĩ vừa hoàn tất một tác phẩm nghệ thuật đầy ưng ý. Rồi niềm nở bắt tay tôi, ân cần, ấm áp. Chưa bao giờ tôi đón nhận được từ kẻ lạ sự thân thiện gần mức thâm tình đến vậy. Nếu đôi tay không lấm len dầu mỡ hẳn ông sẽ ôm lấy tôi. Hệt như tôi về làng ăn tết và tôi đang mặc áo gấm. Ông quay đầu, hét vào cái hình khối xanh mét ánh điện để lát sau có người đàn bà xuất hiện ở ngạch cửa. Một bó tiền, tôi ngó ông đếm những tờ bạc mà chẳng nghi ngờ cái số thành khi ông hô to: Đủ. Chú em kiểm lại cho khỏi lôi thôi. Lôi thôi, tôi nhét bó tiền vào lưng quần mà không buồn kiểm. Tôi quay lưng sau khi nói, một cách khó nhọc: Năm mới phát tài. Ông cười toe, cả người đàn bà cũng thế: Ừ, năm mới thắng lợi mới. Được ba bước, giọng người đàn bà đuổi theo. Thế còn cái mũ bảo hiểm thì tính sao? Tôi dừng chân, biểu diễn thứ động tác của cầu thủ bóng rỗ, ném chuẩn xác chiếc nón giá gần nửa triệu vào đôi tay ông ta. Cám ơn chú em lì xì quà tết. Chúc sức khỏe và tai qua nạn khỏi nhé.

Tôi lẳng lặng cắm đầu đi tới quầy bán vé xe. Người ngợm sắp hàng rồng rắn nhộn nhạo. Tôi mua cái vé chợ đen, giá đắt gấp bốn lần mức quy định và tôi dỗ giấc ngủ khi đã yên chỗ trên chiếc xe cồng kềnh hôi chua có ai nôn mữa trước đó. Tôi nhẫm đọc bức thư của Sương Sa đã khắc ghi vào ký ức. Tôi mường tượng lại khuôn mặt ngây thơ nơi tấm ảnh co rúm biến dạng khi bị đốt cháy. Và rồi thì xe chạy, hục hặc về miền Trung.

Tôi ăn một bữa cơm thịnh soạn nhất đời. Làm buổi giỗ, cúng kỵ ông bà cha mẹ sơn hào hải vị bày sắp trước bàn thờ cũng không thể xôm tụ hơn. Cùng chung mâm với tôi là cô tiếp viên nhà hàng ăn vận rất thông thoáng. Cô luôn cười, cơ bắp từ khóe miệng ảnh hưởng xuống tới đôi vú. Áo rung động và hàng vải mỏng tuyệt chẳng có nội y. Cô rót bia, đưa tận miệng. Cô dùng thìa, tom góp thức ăn rồi đút vào mồm tôi, chật cứng. Cô muốn thế và nếu thực khách chẳng phải là kẻ tàn phế, đôi tay thừa thải của hắn sẽ dùng vào việc gì? Tôi không muốn bóp vú cô, tôi chẳng thích lùa sâu bàn tay vào cái váy ngắn cô đang ngồi với tư thế gợi mở bày hàng.

- Này anh giai, có thích chơi em không, hở?
- Không.
- Sao anh lại nỡ lòng nào nói thế? Em có gì không tốt chứ?
- Trời đánh còn phải tránh bữa ăn.
- Thế thì ăn xong anh tính sao? Nhà nghỉ chỉ nằm bên kia đường.
- Chúng ta tìm một trò chơi khác, được không?

Tôi gạt chén bát sang, đặt xuống khoảng trống mặt bàn một xấp tiền.

- Tìm hộ tôi một người, số tiền đó tôi dành trả công.
- Khó khăn nhỉ? Anh giai cần phải dài lời hơn. Ma cô, móc túi, gái bán dâm… Đại loại thế.
- Không, thuộc diện cán bộ. Ông ta tên X. làm ở ngân hàng…
- Hú hồn. Cứ ngỡ là ngăn sông cách núi, sóng lớn bể rộng. Ông ấy thi thoảng vẫn lui tới đây, nhẵn mặt.
- Tìm đúng nhà có dễ không?
- Em có thể biết lý do?
- Tết nhất, có người cậy việc nhờ chuyển giao một phong bì lì xì.
- Số một linh tám ở phố Sơn La. Tiền này dành riêng cho em đấy hở?

Tôi nốc hết chai bia cuối cùng vào lúc ba giờ sáng. Khi chạng vạng, tôi đã vẽ được một lối vào căn biệt thự ấy. Trèo cột điện, phóng mình qua một cành cây, nhảy xuống cỏ, đập vỡ cửa kính, thò tay vào xoay nắm cửa, ngồi yên cho mắt quen bóng tối. Bước lên lầu, tôi tìm ra nơi lão X. ngủ chẳng mấy khó. Tôi bật sáng ngọn đèn bắt trên đầu nằm. Lão ngủ cùng người đàn bà, có lẽ là vợ. Cả hai đều béo tốt, mập mạp. Và cả hai cùng tỉnh thức, giã biệt mộng lành. Tôi ngó vẻ mặt hốt hoảng của họ, nỗi sợ hãi làm người họ co quắp. Tôi đã nhập tâm khuôn mặt lão X, có biến dạng tôi vẫn nhận diện được. Tôi vung dao lên, chất xúc tác của bia đã không làm tay tôi run. Máu bắt đầu loang đỏ trên chăn nệm, vấy cả lên mặt người đàn bà. Thủy chung bà ta chẳng la lên được một tiếng cầu cứu. Bà chỉ ú ớ, răng cắn siết vào một góc chăn.

- Bà có đọc báo không? Một tháng trước ông này dùng uy lực cưỡng hiếp cô gái vị thành niên, phá trinh xong lại còn man khai nạn nhân chủ động bán dâm. Luật pháp đã để ông này thong dong tại ngoại trong lúc cô gái xấu số kia bị nhốt vào tù. Cô ta là một nửa của tôi.

Tôi gói con dao vào tờ nhật báo. Tôi bước ra đường nhựa rút thuốc châm lửa thở khói. Bình minh nhú lên vài cọng sáng mỏng manh cuối tầm nhìn. Sương sớm mai ẩm lạnh phả xuống nguời. Tôi đi bộ hết hai dãy phố đang cựa mình thức giấc, điếu thuốc cháy cụt thì gặp phải đồn công an. Tôi bước vào đầu thú với một cánh tay đầy máu đang khô. Có tiếng người la lên: Coi chừng, nó có hung khí. Tôi bị đạp từ sau lưng, hai gã công an vật tôi xuống, bẻ gập đôi tay nhừ mỏi. Mặt tôi va vào nền xi măng ẩm lạnh, mắt hoa lên. Hình ảnh cuối, tôi thấy con kiến tha hột cơm trên lưng, bò nhọc mệt vào sau những chấn song.

Hồ Đình Nghiêm
Ngày đầu năm dương lịch 11.

* Blog của Nhà văn Hồ Đình Nghiêm là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG