Đường dẫn truy cập

Việt Nam thành ‘thủ phủ tôm’ thế giới?


Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu đạt 520,2 triệu đôla trong 9 tháng đầu năm 2016. (Ảnh tư liệu)
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu đạt 520,2 triệu đôla trong 9 tháng đầu năm 2016. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 6/2 đã đề ra mục tiêu biến Việt Nam thành “thủ phủ tôm” của thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ đôla vào năm 2025. Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu của Việt Nam cho rằng mục tiêu này tuy “cao” nhưng khả thi nếu Việt Nam áp dụng những “cải tiến mạnh mẽ”.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam đề ra mục tiêu cao về xuất khẩu tôm là nhằm thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn đáng báo động hiện nay ở những khu vực được xem là vựa lúa của Việt Nam. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cách thức biến “nguy” thành “cơ” này là khả thi nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện những cải tiến mạnh mẽ và thay đổi chính sách. Ông nói:

“Mục tiêu của thủ tướng đề ra có thể là cao, nhưng nếu như có những biện pháp tổ chức và chính sách đúng đắn, tôi nghĩ đây cũng là biện pháp có thể khả thi”.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ở Cà Mau hôm 6/2, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm đưa ngành tôm trở thành “ngành mũi nhọn” với mục tiêu biến đồng bằng sông Cửu Long trở thành “thủ phủ” ngành tôm, tiến tới việc nuôi trồng và chế biến tôm đạt tiêu chuẩn thế giới nhằm đạt được mục tiêu chiếm 10% GDP của cả nước vào năm 2025.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam lâu nay thường bị kẹt lại ở cửa khẩu của một số nước nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật… vì bị phát hiện bơm các tạp chất vào nhằm tăng trọng lượng tôm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc được các báo Việt Nam dẫn lời nói sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm chì, hóa chất, tạp chất vào tôm để trục lợi.

TS. Lê Đăng Doanh thừa nhận tình trạng này đã làm “mất tín nhiệm” của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới:

“Có một điều kỳ lạ là những tạp chất, thủ thuật đó lại qua được hàng rào kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ lập tức phát hiện ra ngay, gây mất tín nhiệm đối với tôm Việt Nam”.

TS. Lê Đăng Doanh nói sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một yếu tố bất lợi đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu đạt 520,2 triệu đôla trong 9 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc “tuyên chiến” với những thủ thuật xấu, Việt Nam cần phải thực hiện những cải tiến cụ thể:

“Trước hết, ngành tôm Việt Nam phải cải tiến mạnh mẽ phương thức nuôi tôm, xem xét mô hình nuôi tôm như thế nào cho phù hợp. Về mặt chính sách, chính phủ sẽ nới rộng hạn miền, tức giới hạn tối đa mà doanh nghiệp có thể có để nuôi tôm, để không có hạn chế về mặt pháp lý đối với những doanh nghiệp kinh doanh lớn. Điều cuối cùng, Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn xuất khẩu tôm đông lạnh, tức ở dạng thô. Việt Nam có thể tiến tới xuất khẩu tôm dưới dạng chế biến sâu hơn như tôm bao bột, tôm tempura, để xuất khẩu sang các thị trường khác. Và cần làm những việc khác như đăng ký nhãn hiệu, thiết lập các chuỗi giá trị, liên kết với các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới…”

Tin cho hay Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa cho biết tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trên thị trường Mỹ và mức thuế cụ thể sẽ được công bố trong tháng này. Kết luận trên được DOC đưa ra trong đợt xem xét 5 năm lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Mục tiêu biến VN thành ‘thủ phủ tôm’ thế giới có khả thi?
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:05 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG