Đường dẫn truy cập

Mười trải nghiệm từ hành trình đi bộ 1000 km


Đi bộ trong mưa. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)
Đi bộ trong mưa. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)

Mặc dù không hề lên kế hoạch trong nửa đầu năm Covid thứ hai, tới đầu tháng 11 năm nay tôi đã đi bộ trên 1000 km trong cố gắng nâng cao ý thức của bản thân và của mọi người về biến đổi khí hậu.

Trên 650 km của hành trình ‘xe căng hải’ London – Glasgow này diễn ra trong 26 ngày, chủ yếu trong tháng 10 và vài ngày đầu tháng 11 khi thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra ở Glasgow, Scotland. Trước đó tôi đã đi bộ chừng 500 km trong quá trình luyện tập.

Ngày nắng duy nhất trong chặng đi bộ vài ngày ở Scotland. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)
Ngày nắng duy nhất trong chặng đi bộ vài ngày ở Scotland. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)

Mục tiêu ban đầu như tôi đã viết trong blog trước đây là đi chừng 800 km trong 26 ngày từ London tới Glasgow. Nhưng do không tìm được ai lái xe chạy điện chở đồ của chúng tôi giữa các chặng đi bộ, mỗi người trong nhóm đều phải có vài ngày lái xe vì ai cũng mang theo khoảng 20 kg hành lý cho chuyến đi và không thể đeo chừng đó đồ trong hành trình đi bộ.

Sau khi kết thúc cuộc đi bộ dài có một không hai với năm người bạn và một số người đi bộ ủng hộ trong một số ngày, tôi thực sự thấy đó là trải nghiệm vô cùng quý giá và làm cho cuộc sống có ý nghĩa thêm nhiều.

Thứ nhất, chúng tôi đã tiếp xúc nhiều với truyền thông, dù đó là đài, báo hay truyền hình để truyền tải thông điệp bất cứ ai cũng cần hành động trong khả năng có thể để ngăn nguy cơ trái đất tiếp tục nóng lên, kéo theo băng tan dẫn tới nhiều vùng có thể chìm dưới nước biển hoặc không còn nguồn nước ngọt để sinh sống. Riêng cá nhân tôi đã trả lời phỏng vấn đài địa phương ở Anh, Đài SBS Việt ngữ ở Australiatrang báo chuyên tin tức địa phương ở London. Nhóm chúng tôi, không phải lúc nào cũng đủ cả sáu người do tốc độ mỗi người mỗi khác, cũng xuất hiện trong nhiều chương trình phát thanh và truyền hình khác nhau trong đó có kênh truyền hình hàng đầu ITV của Anh, các đài BBC ở những địa phương khác nhau, truyền hình Deutsche Welle của Đức và EuroNews ở châu Âu.

Thứ hai, chúng tôi gặp nhiều người cùng chí hướng, những người cùng muốn làm gì đó để giảm bớt khí nhà kính và tác hại của nó. Trong ngày cuối cùng chúng tôi ở Glasgow, hôm 3/11, nhóm đã tổ chức cuộc gặp gỡ với những người như vậy. Có người đi bộ cả 1000 km từ Thuỵ Điển sang, có người tới Glasgow trong chuyến tàu xuyên châu Âu tổ chức riêng cho hàng trăm người quan ngại về biến đổi khí hậu, và có nhiều người đạp xe. Một trong những nhóm đạp xe bao gồm cả hai nhà hoạt động vì môi trường ở Cam-Pu-Chia và họ nói một trong những người cùng chí hướng với họ ở Cam-Pu-Chia đang bị chính phủ cầm tù vì kiên quyết bảo vệ đất rừng. Họ cũng hát cho chúng tôi bài họ sáng tác để kêu gọi mọi người cùng nắm tay nhau như những người anh em để bảo vệ trái đất khỏi tác hại của ấm nóng toàn cầu. Đó thực sự là những giây phút cảm động phát khóc khi chúng tôi cùng hát điệp khúc của bài hát kêu gọi cùng nhau hành động.

Thứ ba, nhóm chúng tôi chưa bao giờ ở bên tự nhiên, bên ruộng đồng, bên những cánh rừng, bên những con kênh trong nhiều ngày liên tục tới như thế. Chúng tôi chứng kiến những chiếc cầu vồng tuyệt đẹp sau mưa, những ngày nắng rực rỡ khiến cảnh núi đồi thêm thơ mộng và những chiều hoàng hôn xuống đẹp hút hồn.

Thứ tư, hành trình kiểu ‘từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái’ ở Anh của chúng tôi đã đi qua những địa danh ở Anh mà chúng tôi trước đó chưa bao giờ nghe tới. Đó cũng là hành trình khám phá hàng trăm, hàng ngàn con đường dành riêng cho những người đi bộ tại Anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi ở Anh có nhiều đường cho người đi bộ tới như vậy dù vẫn ước ao có nhiều con đường như thế hơn và chúng nối liền một dải thay vì bị ngắt quãng rất dài vì đường cho xe hơi. Nhiều lúc sự ngắt quãng như vậy đồng nghĩa với việc chúng tôi phải đi dọc những con đường xe ô tô đi lại ngược xuôi, vừa ô nhiễm và vừa nguy hiểm vì xe đi nhanh trong khi đường không thực sự có chỗ cho người đi bộ.

Thứ năm, chặng đi 650 km dọc nước Anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui có, thử thách cũng có. Nhiều người dân, những người ủng hộ chúng tôi đã đưa tiễn, đi cùng chúng tôi ở nhiều cung đường. Họ cũng giúp chúng tôi tổ chức thành công nhiều buổi tụ họp để nói về biến đổi khí hậu dọc đường đi.

Một số bạn đồng hành. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)
Một số bạn đồng hành. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)

Còn thử thách cũng vô cùng nhiều. Chúng tôi đi bộ dưới mưa trong nhiều ngày, có những người đi bộ cùng chúng tôi tới ngày thứ hai thì đầu hàng vì dầm mưa trong hai ngày mà không chuẩn bị trước quần áo chống thấm nước nên rét run và chân bị trầy xước không còn bước được nữa. Có những hôm chúng tôi bị đàn bò hàng chục con chực xông tới khi chúng tôi đang băng qua một thửa ruộng khiến chúng tôi phải tìm đường khác đi.

Có hôm tôi đi tới ngõ cụt vì đường đi bộ dẫn tới đường cao tốc khiến tôi bối rối không biết làm sao để về tới đích ở phía bên kia đường cao tốc. May thay có hai cảnh sát dừng xe hỏi tôi có ổn không và sau khi biết tôi cần đi taxi về khách sạn ở phía bên kia đường cao tốc đã gọi cho vài hãng taxi giúp tôi vì tôi gọi vài số đều không được vì đó là vùng khá hẻo lánh. Các hãng taxi đều đòi chừng 30 bảng Anh để đi chặng đường có vài km nên hai cảnh sát bảo đắt quá, không đáng trả nhiều thế. Họ nói tôi chờ họ về lại đồn làm vài thủ tục rồi quay lại đón tôi. Chừng 15 phút sau họ quay lại và đưa tôi về khách sạn. Đây không phải lần đầu tôi tiếp xúc với những cảnh sát thực sự vì dân phục vụ ở Anh.

Thứ sáu, chuyến đi giúp tôi nhận ra rằng thực ra đi bộ trung bình trên 30 km mỗi ngày trong gần một tháng là quá sức của tôi (quãng đường 650 km tôi đã đi còn lớn hơn khoảng cách từ Hà Nội tới Đà Nẵng tính theo đường chim bay). Nếu không có vài ngày lái xe điện chở đồ có lẽ tôi cũng sẽ phải nghỉ đôi ngày trong cả chuyến đi vì chấn thương. Đã có hôm sau khi đi 30 km, tôi phải lên xe buýt vì chân đau không còn bước được nữa mà trước mặt còn thêm bảy, tám km nữa. Nhưng cũng có ngày tôi đi được trên 40 km vì nó còn tuỳ địa hình mỗi ngày. Tôi nghĩ lý tưởng hơn sẽ là đi chừng 20-25 km mỗi ngày nhưng như vậy thời gian đi sẽ kéo dài đi thêm cả chục ngày nữa và nó sẽ tăng chi phí đáng kể vì phải thuê khách sạn, thuê xe điện, nghỉ làm và các chi phí khác.

Thứ bảy, đi bộ đã trở thành thói quen mới của tôi và chắc chắn nó giúp tôi giảm lượng ô nhiễm thải ra vì dùng ít xe hơi hơn trước. Mới tuần trước tôi đã đi bộ chừng 10 km cả đi lẫn về để mua quà sinh nhật cho con trai tôi. Cách nhà tôi chừng 8, 9 km có một cánh rừng mà trước khi cam kết đi bộ nhiều thêm tôi không biết tồn tại một cánh rừng như thế và cũng không nghĩ tới chuyện đi bộ ra rừng vì vừa đi vừa về cũng khá xa. Nhưng giờ bất cứ khoảng cách nào dưới 20 km cả đi lẫn về tôi đều nghĩ rằng mình có thể đi bộ nếu cần.

Thứ tám, chúng tôi đã tạo cảm hứng được cho nhiều người, có những nhóm đã tổ chức đi bộ gây quỹ dù họ đi khoảng cách ngắn hơn chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng được truyền cảm hứng từ nhiều người khác. Trong chặng đi ở Scotland, chúng tôi gặp một nữ học sinh trung học được trường cho nghỉ học để đạp xe tới hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu nhằm học hỏi và vận động các nhà lãnh đạo có hành động mạnh mẽ hơn để giảm tình trạng ấm nóng toàn cầu. Nữ sinh Jessie dù đạp xe chứ không đi bộ, nhưng cô lại có xe đạp thồ hàng chứ không thuê xe điện chở đồ như chúng tôi. Cũng có những nhóm đi bộ và cắm trại để ngủ dọc đường thay vì nghỉ ở khách sạn. Đương nhiên họ cũng không đi khoảng cách dài mỗi ngày như chúng tôi.

Thứ chín, quyết định bỏ ra cả tháng để đi bộ vì một trái đất không nóng lên tới mức thảm hoạ và cũng là để thu thập tư liệu cho phim tài liệu về hành trình đi bộ của chúng tôi là quyết định không dễ dàng. Mấy năm gần đây tôi làm việc bán phần và làm việc từ nhà rất nhiều để có thời gian cho gia đình nên vắng nhà cả tháng cũng là thử thách. Nhưng những gì nhóm chúng tôi làm được cho cộng đồng, những kiến thức và ý thức được cải thiện hơn về biến đổi khí hậu và về quay phim, chụp ảnh đối với cá nhân tôi vô cùng có ý nghĩa và có lẽ là vô giá vì tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội lần hai để ghi lại những hình ảnh dọc nước Anh như thế.

Hoàng hôn Scotland - những khoảnh khắc đẹp bắt gặp trong chuyến đi thử sức khắc nghiệt. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)
Hoàng hôn Scotland - những khoảnh khắc đẹp bắt gặp trong chuyến đi thử sức khắc nghiệt. (Hình: Hùng Nguyễn cung cấp)

Và cuối cùng là những người bạn hoàn toàn mới đã nhanh chóng trở thành những người thân thiết sau chuyến đi London – Glasgow. Vài người trong chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng nhau cập nhật tài khoản Instagram mà nay đã có trên 1000 người theo dõi. Chúng tôi cũng tiếp tục đi bộ và trồng cây qua app AtlasGO. Chỉ trong vài tuần gần đây, nhóm chúng tôi và những người bạn đã đi cả thảy gần 4500 km và trồng hơn 2200 cây. Nếu tính cả các cá nhân tham gia thử thách mang tên walk2cop26 trên AtlasGO nhưng không chính thức gia nhập nhóm mang tên London to Glasgow, chúng tôi đã trồng được chừng 4000 cây trong tổng số 5000 cây trong kế hoạch đề ra. Quý vị vẫn còn cơ hội để cùng đi bộ và trồng cây với nhóm chúng tôi nếu muốn.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG