Đường dẫn truy cập

Mỹ ca ngợi ‘kỉ nguyên mới’ với ASEAN, hội nghị cam kết nâng cấp quan hệ


Tổng thống Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN để kỉ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN tại Bộ Ngoại giao ở Washington, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2022.
Tổng thống Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN để kỉ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN tại Bộ Ngoại giao ở Washington, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu nói một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Washington với các nhà lãnh đạo từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh dấu sự khởi động của một "kỉ nguyên mới" trong mối quan hệ giữa Mỹ và khối 10 quốc gia này.

Trong "tuyên bố viễn kiến" chung gồm 28 điểm sau cuộc họp kéo dài hai ngày, hai bên đi một bước mang tính biểu tượng, theo các nhà phân tích, là cam kết nâng quan hệ của họ từ quan hệ đối tác chiến lược lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 11, Reuters cho biết.

Về vấn đề Ukraine, họ tái khẳng định "tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ." Tuyên bố không lên án đích danh Nga về cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2.

Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN hội họp trong tư cách một nhóm tại Washington và là hội nghị đầu tiên của họ do một tổng thống Mỹ chủ trì kể từ năm 2016.

Chính quyền của ông Biden hi vọng nỗ lực này sẽ cho thấy Mỹ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thách thức lâu dài là Trung Quốc, nước mà Mỹ coi là đối thủ cạnh tranh chính, bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine.

Ông cũng hi vọng sẽ thuyết phục các nước ASEAN cứng rắn hơn đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ông Biden nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng "rất nhiều lịch sử của thế giới chúng ta trong 50 năm tới sẽ được viết ở các nước ASEAN, và mối quan hệ của chúng tôi với quý vị là tương lai, trong những năm và thập niên tới."

Ông Biden gọi mối quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN là "hệ trọng" và nói: "Chúng ta đang khởi động một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên mới - trong quan hệ Mỹ-ASEAN."

Phó Tổng thống Kamala Harris nói Mỹ sẽ ở lại Đông Nam Á "nhiều thế hệ" và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tự do trên các vùng biển mà Mỹ cho rằng đang bị Trung Quốc thách thức.

"Mỹ và ASEAN có chung tầm nhìn cho khu vực này, và cùng nhau chúng ta sẽ đề phòng các mối đe dọa đối với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế," bà Harris nói.

Cả bà và ông Biden đều không nêu đích danh Trung Quốc. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép đối với các nước láng giềng.

Bà Harris nói Washington sẽ tiếp tục cùng ASEAN đối phó với mối đe dọa là COVID-19, sau khi đã viện trợ hơn 115 triệu liều vaccine cho khu vực này. Bà nói cả hai bên cần thể hiện tham vọng tập thể về biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, và đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng một cách bền vững.

Các nước ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Nhà lãnh đạo Myanmar đã bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh do một cuộc đảo chính năm ngoái. Đồng minh hiệp ước của Mỹ là Philippines, hiện đang trong quá trình chuyển tiếp sau một cuộc bầu cử, đã cử đại diện là bộ trưởng ngoại giao của mình đến dự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG