Đường dẫn truy cập

Mỹ: Chiến lược hạt nhân bí mật không nhằm đối phó với riêng một quốc gia hay một mối đe dọa


Nhà Trắng.
Nhà Trắng.

Hôm 20/8, Nhà Trắng nói rằng kế hoạch chiến lược hạt nhân mật được Tổng thống Joe Biden phê duyệt trong năm nay không phải là sự đối phó với một quốc gia hay một mối đe dọa riêng rẽ nào. Trước đó, New York Times đưa tin rằng Washington đã định hướng lại chiến lược răn đe của Mỹ để nhắm vào việc Trung Quốc lần đầu tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Hoa Kỳ nói rằng họ hiểu là chiến lược và thế trận về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên như được mô tả trong Bản Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022 của chính quyền Biden và không có sự chuyển hướng khỏi Nga sang Trung Quốc.

Báo New York Times viết Nhà Trắng chưa bao giờ thông báo rằng ông Biden đã phê duyệt chiến lược sửa đổi có tiêu đề “Hướng dẫn triển khai hạt nhân”, nhưng một thông báo không thuộc diện “mật” về bản sửa đổi này dự kiến sẽ được gửi tới Quốc hội trước khi ông Biden rời nhiệm sở.

Tờ báo cho biết rằng trong các bài phát biểu gần đây, hai quan chức chính quyền cấp cao đã được phép nói bóng gió đến việc sửa đổi chiến lược như đã đề cập. Bản tin viết rằng chiến lược này được cập nhật 4 năm một lần hoặc khoảng như vậy.

Khi được hỏi về bản tin trên, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Savett đáp: “Chính quyền này, giống như bốn chính quyền trước đó, đã ban hành Bản Đánh giá tình hình hạt nhân và Hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân”.

“Mặc dù lời văn cụ thể của bản Hướng dẫn là tài liệu mật nhưng sự tồn tại của nó không hề bí mật. Bản Hướng dẫn ban hành đầu năm nay không phải là sự đối phó với riêng một thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào”.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nói rằng trong khi các ước tính của tình báo Mỹ cho thấy Trung Quốc có thể tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân từ 500 lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030 thì Nga hiện có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân “và nước này vẫn là đối tượng chính để Mỹ xây dựng chiến lược hạt nhân”.

Chiến lược của Mỹ là theo đuổi việc hạn chế vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại và nếu Nga vượt quá giới hạn nêu trong hiệp ước New START, thì tại một thời điểm nào đó trong tương lai, Mỹ có thể cần phải xem xét điều chỉnh quy mô và thành phần của lực lượng hạt nhân, ông Kimball nói.

Ông nói thêm: “Theo hiểu biết của tôi, thời điểm mà chính quyền hiện tại nghĩ rằng họ có thể muốn xem xét những thay đổi như vậy sẽ là tận năm 2030 hoặc một thời gian sau đó”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG