Đường dẫn truy cập

Mỹ có kế hoạch lập trung tâm huấn luyện HIMARS ở châu Âu


Một phương tiện phóng tên lửa M142 HIMARS của Hoa Kỳ tại triển lãm ở Dubai, ngày 15/11/2021.
Một phương tiện phóng tên lửa M142 HIMARS của Hoa Kỳ tại triển lãm ở Dubai, ngày 15/11/2021.

Quân đội Hoa Kỳ đang lên kế hoạch thành lập một trung tâm huấn luyện ở châu Âu để hướng dẫn các đồng minh NATO cách triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), một tướng hàng đầu của Hoa Kỳ cho VOA biết, trong bối cảnh nhu cầu về các hệ thống này ở Đông Âu tăng cao sau những thành công của loại vũ khí này trên chiến trường Ukraine.

“Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ ở đây, nhưng đó sẽ là một khu vực mà chúng tôi có thể kéo nhiều quốc gia đến một địa điểm,” Tư lệnh Quân đoàn V, Trung tướng John Kolasheski, người chịu trách nhiệm về các hoạt động của Quân đội Hoa Kỳ dọc theo sườn phía đông của NATO, cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào tối ngày 7/2.

Tin tức này được đưa ra khi Bộ Ngoại giao hôm 7/2 phê duyệt khả năng bán 18 giàn phóng HIMARS cho Ba Lan, cùng với hàng trăm Hệ thống tên lửa phóng loạt có điều khiển (GMLRS) và hàng chục Hệ thống tên lửa chiến thuật của lục quân (ATCMS). Chính phủ Ba Lan muốn sắm các loại vũ khí này với trị giá ước tính khoảng 10 tỷ USD.

Chương trình HIMARS được đề xuất sẽ dành cho các quốc gia NATO mà Mỹ được phép bán các hệ thống pháo tầm xa cho quân đội của họ, bao gồm các quốc gia như Estonia, Ba Lan và Romania ở phía đông của NATO.

“Họ [NATO] nhìn thấy sự tàn bạo của những gì đã diễn ra ở Ukraine, và có cảm giác cấp bách, có mục đích và tất cả 30 quốc gia đoàn kết để cùng nhau bảo vệ hiệu quả lãnh thổ NATO,” tướng Kolasheski nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói với VOA hồi đầu tuần này rằng “một trong những bài học lớn nhất rút ra được” từ cuộc chiến ở Ukraine là “vũ khí tầm xa là cực kỳ quan trọng”. HIMARS đã được ghi nhận là đã thay đổi động lực của cuộc chiến.

Estonia mua sáu đơn vị HIMARS dự kiến sẽ được giao trong khung thời gian 2024-2025. Một trung đội HIMARS của Mỹ đang cung cấp thêm khả năng phòng thủ ở Baltic, và ông Pevkur cho biết trung đội này cũng đang cho phép các lực lượng Estonia bắt đầu huấn luyện với các hệ thống tên lửa “ngay hôm nay” để họ sẵn sàng sử dụng chúng “từ ngày đầu tiên”.

Học viện Abrams của Ba Lan

Ông Kolasheski cho biết học viện HIMARS được đề xuất sẽ là “một công trình tương tự” với Học viện huấn luyện xe tăng Abrams, được mở gần Poznan, Ba Lan, vào năm ngoái để lực lượng Ba Lan làm quen với xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams do Mỹ sản xuất. Ba Lan, đồng minh châu Âu đầu tiên mua xe tăng Abrams, đã mua 250 xe tăng M1A2 Abrams vào năm ngoái và 116 xe tăng M1A1 Abrams vào tháng Giêng.

Theo ông Kolasheski, một phần của chương trình Abrams bao gồm một hình thức học thực hành, trong đó các lực lượng Ba Lan được gắn kết với các đơn vị xe tăng Lục quân để học cách bảo dưỡng và khai hỏa xe tăng.

Kể từ khi học viện Abrams mở cửa vào mùa hè năm ngoái, một lớp học viên điều khiển xe tăng Ba Lan và một lớp học viên bảo trì đã tốt nghiệp từ học viện này.

Ba Lan đã nhanh chóng trở thành một trung tâm quân sự cho các lực lượng Hoa Kỳ ở Đông Âu và đã thẳng thắn ủng hộ việc gửi xe tăng phương Tây tới Ukraine.

‘Mối đe dọa hiện hữu’

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm 4/2 cho biết Ba Lan đã bắt đầu huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Khi được hỏi liệu Học viện Huấn luyện Xe tăng Abrams ở Ba Lan có được sử dụng để huấn luyện binh sĩ Ukraine hay không, ông Kolasheski nói với VOA rằng hiện “vẫn chưa có quyết định về việc đó”.

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố vào tháng trước rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng Abrams, Lầu Năm Góc kể từ đó cho biết họ sẽ cần sắm thêm xe tăng này vì kho dự trữ của Mỹ không có dư.

Tuy nhiên, xe tăng Leopard 2 và xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất dự kiến sẽ đến chiến trường Ukraine ngay sau khi quá trình huấn luyện của Ukraine hoàn tất.

“Xe tăng đang được chờ đợi rất nhiều… và tôi thực sự hy vọng rằng chúng ta không quá muộn cho điều đó,” Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Pevkur nói với VOA.

Khi được hỏi liệu có thực tế không khi kỳ vọng quân đội Ukraine sẽ có xe tăng Leopard 2 hoặc Challenger trong vòng vài tháng tới, tướng Kolasheski trả lời: “Tôi nghĩ là có”.

VOA đã yêu cầu Lầu Năm Góc cho phép tiếp cận lực lượng Hoa Kỳ đang huấn luyện quân đội Ukraine ở Đức và Học viện Huấn luyện Xe tăng Abrams ở Ba Lan, nhưng không được cho phép.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG