Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi Iraq, Ai Cập vượt qua tình trạng chia rẽ giáo phái


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tại Baghdad, ngày 23/6/2014.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tại Baghdad, ngày 23/6/2014.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã đến thủ đô của Ai Cập trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du mới nhất tới vùng Trung Đông, nơi vụ xung đột giáo phái ở Iraq đang gây ra nhiều sự lo ngại. Từ thủ đô Ai Cập, thông tín viên Elizabeth Arrott gởi về bài tường thuật do Minh Phượng trình bày sau đây.

Ngoại trưởng Kerry kêu gọi chính phủ Ai Cập theo đuổi một đường lối chính trị bao dung để bao gồm nhiều thành phần trong sinh hoạt chính trị quốc gia. Ông cũng đưa ra một lời kêu gọi tương tự cho chính phủ Iraq.

Khi phát biểu tại Cairo hôm chủ nhật, ông Kerry cảnh báo về mối nguy hiểm của cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Sunni chống lại chính phủ do người Shia lãnh đạo ở Baghdad. Ông nói thêm như sau.

"Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng, một thời điểm mà chúng ta phải thúc giục các nhà lãnh đạo Iraq vượt lên trên những ý đồ có tính chất phe phái để thành lập một chính phủ đoàn kết, một chính phủ có quyết tâm thỏa mãn nhu cầu của toàn thể dân chúng và nói lên những nguyện vọng của họ."

Chuyến viếng thăm Ai Cập không loan báo trước đã diễn ra vào lúc ông Kerry bắt đầu chuyến công du Trung Đông và Âu châu được sắp xếp một cách vội vã.

Ông Kerry tuyên bố người dân Iraq có toàn quyền quyết định ai là người lãnh đạo của họ, nhưng theo dự liệu ông sẽ tiếp tục hô hào cho việc thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần ở Iraq. Mặc dù vậy, ông Kerry cũng cho biết Hoa Kỳ không lựa chọn hoặc cổ súy cho một cá nhân hay một nhóm người nào cho giới lãnh đạo ở Baghdad.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng ý thức hệ của phe nổi dậy ở Iraq không những chỉ đe dọa tới chính phủ Iraq mà còn đe dọa tới toàn vùng Trung Đông.

Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ai Cập, ông Kerry nói rằng Washington và Cairo có mối quan hệ hợp tác mật thiết lâu dài và hai nước sẽ làm việc chung với nhau để chống lại những mối đe dọa khủng bố.

Nhưng ông thừa nhận rằng đôi bên “có những việc có thể làm tốt hơn”, và kêu gọi chính quyền Ai Cập tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Quan hệ giữa Washington và Cairo đã bị căng thẳng vì vụ lật đổ ông Mohamed Morsi, tổng thống Ai Cập đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ, và vụ đàn áp sau đó nhắm vào Huynh đệ Hồi giáo, đảng của ông Morsi.

Báo chí cho biết một giới chức cấp cao đi chung với Ngoại trưởng Kerry nói rằng Hoa Kỳ không tán đồng quan điểm của Ai Cập cho rằng Huynh đệ Hồi giáo là một tổ chức khủng bố. Giới chức này nói rằng vấn đề này là một thách thức chính trị chứ không phải là một mối đe dọa an ninh.

Sau khi vừa đặt chân tới Ai Cập, Ngoại trưởng Kerry đã nói tới tình trạng chia rẽ ở nước này.

"Đây là thời điểm vô cùng quan trọng cho cuộc chuyển tiếp ở Ai Cập. Hoa Kỳ rất mong được làm việc chặt chẽ với Tổng thống el-Sissi để giúp cho cuộc chuyển tiếp này diễn ra một cách nhanh chóng và êm thắm."

Nhưng hiện chưa rõ Hoa Kỳ còn có bao nhiêu ở Ai Cập và ở Trung Đông, sau vụ tiến công vào Iraq và sau khi xảy ra những việc mà nhiều người trong khu vực xem là những sự sai lầm của Washington trong những cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.

Ông Said Sadek, giáo sư khoa chính trị xã hội học của Đại học American University ở Cairo, nói rằng tuy Hoa Kỳ tiếp tục nắm giữ một vai trò rất quan trọng, nhưng ông Kerry tới khu vực này trong lúc Hoa Kỳ đã mất đi khá nhiều sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo trong khối Ả Rập.

"Người Ai Cập không tin tưởng họ vì họ ủng hộ ông Morsi. Người Ả rập Xê-út cũng không mấy ưa thích ông Obama. Ông ấy đã không chiều theo ý họ trong chiến dịch ở Syria. Họ cũng đổ lỗi cho ông ấy về những gì đang xảy ra ở Iraq. Tất cả mọi người đều đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những gì đang xảy ra ở Iraq."

Đó là quan điểm làm cho công việc của ông Kerry trở nên khó khăn hơn, trong lúc Washington ra sức giúp đỡ cho các nước trong vùng tìm kiếm những giải pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG