Đường dẫn truy cập

Mỹ lên án Trung Quốc ngược đãi người Uighur, Tây Tạng tại diễn đàn nhân quyền LHQ


Người biểu tình Uighur tuần hành trước trụ sở LHQ ở New York ngày 28/8/2020 để đồng hành với cộng đồng Uighur ở Tân Cương. (Photo courtesy of Salih Hudayar)
Người biểu tình Uighur tuần hành trước trụ sở LHQ ở New York ngày 28/8/2020 để đồng hành với cộng đồng Uighur ở Tân Cương. (Photo courtesy of Salih Hudayar)

Hoa Kỳ hôm thứ Sáu lên án việc Trung Quốc ngược đãi các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo, kể cả phạm “tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng” ở Tân Cương mà nạn nhân là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, và những hạn chế nghiêm trọng tại Tây Tạng.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken phải nêu lên vấn đề Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ trong lúc ông đang chuẩn bị gặp gỡ vị đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Alaska vào tuần tới.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác tại Tân Cương, khu vực miền tây hẻo lánh nơi hơn 1 triệu người bị giam giữ trong các trại tập trung, theo các nhà hoạt động.

“Chúng tôi lên án việc Trung Quốc ngược đãi các thành viên của các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo, kể cả tội ác chống nhận loại và diệt chủng ở Tân Cương cùng với những hạn chế nghiêm trọng ở Tây Tạng,” ông Mark Cassayre, đại biện Hoa Kỳ nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Từ Geneva, Đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Chen Xu không trực tiếp nhắc đến Tân Cương trong bài phát biểu nhấn mạnh nước ông phản đối việc “chính trị hóa các vấn đề nhân quyền”.

Thay mặt cho 64 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Cuba nói Tân Cương là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”, kêu gọi các nước “ngừng can thiệp vào việc nội bộ của Trung Quốc bằng cách thao túng các vấn đề liên quan đến Tân Cương”, và hãy tự chế đừng đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc vì các động cơ chính trị”.

Đại sứ Anh Julian Braithwaite nói tại diễn đàn: “Chúng tôi vẫn lo ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền trên diện rộng và có hệ thống ở Tân Cương, trong đó có những báo cáo đáng tin cậy về lao động cưỡng bức và kiểm soát sinh sản cưỡng bức.”

Trung Quốc nói các khu phức hợp mà họ thiết lập ở Tân Cương cung cấp các dịch vụ huấn nghiệp nhắm diệt trừ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các cáo buộc về lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền là "tin đồn và những vu khống vô căn cứ".

Đại biện Cassayre của Mỹ và Đại sứ Anh Braithwaite cũng nêu lên những quan ngại về Hồng Kông, nơi 21 nhà hoạt động tiếp tục bị giam cầm sau khi một tòa án bác đơn xin tại ngoại của họ hôm thứ Sáu.

Cáo trạng buộc tội 47 nhân vật đối lập cho thấy luật an ninh mới đã được áp dụng rộng rãi chưa từng thấy ở Hong Kong. Luật này trừng phạt các tội danh được định nghĩa mơ hồ gồm tội danh ly khai, âm mưu lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.

Các tội danh này đi kèm với mức án lên đến tù chung thân.

“Chúng tôi lên án việc chính quyền Hong Kong giam giữ các nhà hoạt động dân chủ chỉ vì họ thực thi các quyền và quyền tự do của họ. Đại biện Mỹ Cassayre nói, và ông kêu gọi Trung Quốc lập tức trả tự do cho họ.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG