Đường dẫn truy cập

Mỹ lo ngại Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Australia


Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 2 bên phải) tham dự một buổi lễ ký kết với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (thứ 2 bên trái) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 14/4/2016.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 2 bên phải) tham dự một buổi lễ ký kết với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (thứ 2 bên trái) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 14/4/2016.

Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính trị bên trong nước Úc và muốn Canberra có những thay đổi để loại bỏ khả năng của Bắc Kinh dùng các khoản cho tặng tài chính để tác động các chính trị gia Australia.

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo The Australia, Đại sứ mãn nhiệm John Berry của Mỹ nói rằng ông lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đối với chính trị bên trong của Australia. Ông Berry nói rằng Hoa Kỳ phản đối khả năng của Bắc Kinh mở rộng quyền lợi của họ bằng cách cung cấp tiền bạc cho các chính trị gia Úc trong một cuộc vận động tranh cử. Ông nói Washington “ngạc nhiên” trước mức độ tác động của chính phủ Trung Quốc vào chính trị của Australia.

Đại sứ Berry nói rằng Hoa Kỳ hy vọng Canberra sẽ bảo vệ “những trách nhiệm cốt lõi của Australia trước những ảnh hưởng quá đáng từ những chính phủ không chia sẻ các giá trị của chúng ta.”

Nhận định của Đại sứ Berry được đưa ra tiếp theo sau vụ từ chức của thượng nghị sĩ Đảng Lao động đối lập, ông Sam Dastyari, người trước đó yêu cầu một công ty có quan hệ với chính phủ Trung Quốc thanh toán một phần chi phí chuyến du hành cho ông.

Vụ việc này đã gây ra bàn tán rộng khắp về mức ảnh hưởng mà các nguồn cho tặng tiền bạc từ nước ngoài tác động lên các nhà lập pháp của Úc.

Ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói rằng ngay cả nếu không có bằng chứng trực tiếp là tiền bạc của Trung Quốc định hướng các quyết định chính trị của Australia, ông vẫn lo ngại rằng các chính sách của Australia về Trung Quốc đã được thay đổi cho hợp với Bắc Kinh.

Ông Jennings nói: "Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn dùng các cộng đồng Hoa kiều hải ngoại để vận động hậu trường cho các lợi ích của Trung Quốc. Tôi đã thấy trong thời gian rất gần đây vụ Biển Nam Trung Hoa. Họ đã vận động rất mạnh cho phía Bắc Kinh để cố làm cho các nước phản ứng hòa dịu trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye cách đây một hay hai tháng."

Cả hai chính đảng ở Australia đã nhận hàng trăm ngàn đôla từ các bên cho tặng có những lợi ích ở nước ngoài. Các thành viên của Đảng Lao động đối lập và Đảng Xanh Australia tin rằng đã đến lúc phải cấm những cách làm như vậy.

Nhưng cựu Thủ tướng John Howard lại tin rằng cấm như vậy là không đúng:

"Tôi chắc chắn không đồng ý với đề nghị rằng chúng ta phải hạn chế hơn nữa số tiền mà các cá nhân hoặc công ty đóng góp. Trên cơ bản, cách làm đó đánh vào quyền tự do hoạt động chính trị và tự do biểu đạt."

Đã có những nỗ lực để ra quy định kiểm soát việc cho tặng từ các nguồn nước ngoài. Chính phủ của Đảng Lao động đã đề nghị một dự luật cấm Quốc hội nhận tiền cho tặng nước ngoài vào năm 2010, nhưng đề nghị đó chưa được thông qua thành luật. Các bộ trưởng của chính phủ Đảng Bảo thủ cũng đã ngăn chặn một dự luật tương tự do Đảng Xanh đề nghị với lập luận rằng không có gì cần phải cải cách.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và sự thịnh vượng trong tương lai của Úc sẽ phụ thuộc một phần lớn vào mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Tuy nhiên Australia cần phải cân đối các mối quan hệ thương mại đó với quan hệ liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG