Đường dẫn truy cập

Mỹ củng cố hợp tác với đồng minh Nhật-Ấn-Úc, xây thành trì chống bành trướng Trung Quốc


Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trái, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (giữa, trái), Ngoại trưởng Úc Marise Payne (giữa, phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ tại Tokyo hôm 6/10/2020. (Charly Triballeau/Pool Photo via AP)
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trái, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (giữa, trái), Ngoại trưởng Úc Marise Payne (giữa, phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ tại Tokyo hôm 6/10/2020. (Charly Triballeau/Pool Photo via AP)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Nhật Bản hôm 6/10 để huy động sự ủng hộ của các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Châu Á, cổ vũ cho sự hợp tác sâu rộng hơn với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để xây dựng một thành trì chống lại ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.

Chuyến công du đầu tiên của ông Pompeo tới vùng Đông Á trong hơn một năm trùng hợp với những căng thẳng đang ngày càng tệ hại hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên lời kêu gọi của ông Pompeo, cổ vũ cho một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh, là một đề tài nhạy cảm đối với các đồng minh của Washington phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Trong lời phát biểu trước khi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bộ Tứ khởi sự, ông Pompeo không ngại dùng những từ ngữ nặng nề để trực tiếp đả kích Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Trong tư cách là đối tác trong Bộ Tứ, điều quan trọng có tính quyết định hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ nhân dân và các đối tác của chúng ta, không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác, bóc lột, tham nhũng và ức hiếp.”

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp:

“Chúng ta đã chứng kiến các hành động đó ở Biển Đông, trên sông Mekong, dãy Hy Mã Lạp Sơn và eo biển Đài Loan.”

Trung Quốc lên án Bộ Tứ là một âm mưu nhằm kiềm hãm sự phát triển của nước họ.

4 nước trong nhóm Bộ Tứ nêu rõ sự ủng hộ của họ cho một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Nikkei của Nhật Bản, ông Pompeo nói tới việc hợp thức hóa và khả năng nới rộng nhóm Bộ Tứ.

“Một khi chúng ta đã định chế hóa những gì chúng ta đang làm, 4 nước đối tác trong Bộ Tứ, chúng ta có thể khởi sự xây dựng một khung sườn an ninh thực sự”, đề nghị các nước khác có thể đóng góp vào “thời điểm thích hợp”.

Giới phân tích nói rằng một khối như thế theo đề xuất của ông Pompeo có thể không bao giờ thành hình, xét các nước trong khu vực cần phải cân bằng các quan hệ với Trung Quốc. Nhưng họ nói những phát biểu như vậy có thể là một lời cảnh cáo đối với Trung Quốc, khiến nước này lo sợ một ngày nào đó Bộ Tứ có thể trở thành một liên minh để kiềm hãm Trung Quốc, tương tự như NATO đã làm ở Châu Âu để kiềm hãm Liên bang Xô viết.

Theo Reuters, đa số các đồng minh ở Châu Á tỏ ra hài lòng với chính sách cứng rắn của Mỹ đối với đối thủ Trung Quốc trong khu vực, nhưng họ không mấy phấn khởi với những lời lẽ có tính cách khiêu khích của ông Trump và ông Pompeo trong thời gian gần đây, và ngần ngại là Mỹ có thể đã đi quá xa trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cho biết sau cuộc thảo luận các nước đã xác nhận họ sẽ đề nghị các cuộc thảo luận thực tiễn về cấu trúc hạ tầng, an ninh mạng và các lĩnh vực khác.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói môi trường chiến lược tại khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương đang trở nên phức tạp hơn, và sức ép đối với luật lệ làm nền tảng cho sự ổn định của khu vực có thể phương hại tới tiến trình hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Liên quan tới các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bà nói “Các Ngoại trưởng tái khẳng định rằng các nước không thể khẳng định tuyến bố chủ quyền hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Hội nghị đồng ý tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực, kể cả Sông Mekong, và tái triệu tập các cuộc họp của Bộ Tứ trên căn bản thường kỳ.

Và như dự kiến, Bộ Tứ không ra tuyên bố chung.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG