Đường dẫn truy cập

Mỹ thận trọng giúp Iraq chống các phần tử chủ chiến


Binh sĩ Iraq canh gác các nghi can chiến binh al-Qaida bị bắt trong một cuộc đột kích ở Baquba.
Binh sĩ Iraq canh gác các nghi can chiến binh al-Qaida bị bắt trong một cuộc đột kích ở Baquba.
Washington cho hay Mỹ cam kết giúp Iraq chống các phần tử chủ chiến nhưng vào thời điểm hiện nay sẽ không cung cấp trên quy mô lớn các trợ giúp quân sự mà chính phủ của nhà lãnh đạo Iraq Nouri al-Maliki yêu cầu. Từ Ngũ giác đài, thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Washington nói rằng Hoa Kỳ muốn giúp chính phủ Iraq chống các phần tử chủ chiến như những kẻ mới đây đã chiếm cứ Fallujah và một số nơi khác của tỉnh Anbar.

Washington đang tăng nhanh việc giao khoảng 100 phi đạn không đối đất Hellfire, các kinh khí cầu và khoảng 10 máy bay không người lái.

Người phát ngôn Ngũ giác đài, Trung tá Hải quân Bill Speaks cho biết:

"Tất cả các khí giới này là để giúp quân đội Iraq tăng cường khả năng theo dõi và tình báo hữu hiệu để chống lại al-Qaida."

Nhưng Hellfire là loại phi đạn có độ chính xác cao chỉ dùng để đánh các mục tiêu có phạm vi chật hẹp, và các máy bay không người lái loại nhỏ như đồ chơi có sức mạnh kém hơn rất nhiều so với các loại xe tăng và máy bay trực thăng Apache mà từ rất lâu nay Iraq đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp.

Chính phủ Hoa Kỳ chỉ trích điều mà họ nói là chiến thuật mạnh tay của ông Maliki chống lại các đối thủ chính trị.

Phân tích gia Tim Brown của tổ chức globalsecurity.org nói rằng Washington không đủ tin tưởng để giúp cho chính phủ của ông Maliki có được các loại vũ khí mạnh hơn.

"Hoa Kỳ lo ngại rằng chính phủ Iraq, không được hướng dẫn và huấn luyện đầy đủ, có thể sử dụng các loại vũ khí này hoặc là sơ sót hoặc là dùng để chống các nhóm sắc tộc và do đó mối quan tâm ở đây là loại công nghệ mà Hoa Kỳ cần phải kiểm soát một cách chặt chẽ."

Ðại sứ Iraq tại Hoa Kỳ, ông Lukman al-Faily nói rằng ông đang ra sức thuyết phục các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cung cấp thêm các thiết bị.

"Câu hỏi chính mà tôi sẽ đặt ra với Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ là ‘Iraq có phải là đồng minh của Hoa Kỳ hay không?” Nếu phải, thì chúng tôi cần có được các đặc quyền của một đồng minh. Còn nếu không phải, thì chúng tôi cần phải làm gì để trở thành đồng minh?"

Ðiều mà Hoa Kỳ muốn thấy là một sự thay đổi trong cách hành xử của chính phủ Maliki, theo như nhận xét của nhà phân tích Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

"Ðây không phải là một sự trỗi dậy của al-Qaida. Ðây là một phản ứng rộng lớn hơn đối với một chính phủ mỗi ngày một độc tài nhiều hơn, đàn áp nhiều hơn, và đối với sự sử dụng các lực lượng an ninh cho những mục đích sai trái – một vấn đề đả có từ lâu và mỗi lúc một nghiêm trọng hơn."

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng chỉ khí giới không thôi sẽ không giải quyết được các vấn đề của Iraq và họ đang áp dụng điều được mô tả là một phương án kết hợp chặt chẽ giữa trợ giúp quân sự với việc cố vấn và huấn luyện cho các giới chức Iraq ở cấp bộ.

Hoa Kỳ bác bỏ việc đưa lực lượng tác chiến đến Iraq. Tuy nhiên, kể từ lúc rút quân vào năm 2011, con số cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại Iraq đã đều đặn gia tăng và lên đến con số hiện nay là khoảng 200 người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG