Đường dẫn truy cập

Myanmar: Bà Suu Kyi 'trông khỏe mạnh'; Mỹ rút nhân viên không thiết yếu


Công dân Myanmar giơ ảnh bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, hôm 22/2/2021.
Công dân Myanmar giơ ảnh bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, hôm 22/2/2021.

Một trong những luật sư của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị phế truất ở Myanmar, cho biết bà trông khỏe mạnh khi gặp mặt qua đường truyền video hôm thứ Tư 31/3.

Trong cùng ngày, Mỹ ra lệnh cho các nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán Mỹ rời khỏi Myanmar sau nhiều tuần bạo lực diễn ra vì cuộc đảo chính ngày 1/2.

Bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel, đã bị giam giữ kể từ khi quân đội nắm chính quyền. Bà muốn gặp trực tiếp các luật sư và không đồng ý bàn bạc về nhiều vấn đề qua video với sự có mặt của cảnh sát, luật sư Min Min Soe nói với Reuters.

"Mẹ Suu Kyi trông khỏe mạnh, nước da của bà đẹp”, Min Min Soe nói.

Luật sư này cho biết cuộc họp qua video chỉ bàn về vụ kiện chống lại bà sau cuộc đảo chính.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, bị bắt cùng ngày quân đội tiếm quyền. Bà đối mặt với các cáo buộc bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm cầm tay và vi phạm các thủ tục phòng chống virus corona.

Quân đội cũng cáo buộc bà phạm tội hối lộ trong hai cuộc họp báo gần đây.

Các luật sư của bà nói rằng các cáo buộc đã bị phóng đại, riêng cáo buộc về tội hối lộ bị các luật sư gọi là một trò hề.

Cuộc họp tiếp theo về vụ việc của bà sẽ diễn ra hôm thứ Năm 1/4.

Quân đội tiếm quyền và nói rằng cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó, đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi, là cuộc bầu cử có gian lận. Nhưng ủy ban về bầu cử cho rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra công bằng.

Việc tái thiết lập chế độ quân sự sau một thập kỷ với những bước đi hướng tới dân chủ đã gây ra sự chống đối không ngừng.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 521 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Giao tranh cũng bùng phát giữa quân đội và các dân tộc thiểu số nổi dậy ở các vùng biên cương. Những người đi di tản để tránh tình trạng hỗn loạn hiện đang cố tìm nơi an toàn ở các nước láng giềng.

Hàng ngàn người biểu tình lại xuống đường hôm 31/3 ở các vùng khác nhau của Myanmar.

Hoa Kỳ hôm 30/3 ra lệnh cho các nhân viên không cấp thiết thuộc chính phủ Hoa Kỳ và người thân của họ rời khỏi Myanmar do lo ngại về tình trạng bất ổn dân sự.

Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và tình trạng bạo lực, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG