Đường dẫn truy cập

Nam Sudan, Nigeria , Somalia, và Yemen bị đói kém


Gần 1,4 triệu trẻ em ở Nigeria, Somalia, Yemen, và Nam Sudan đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Gần 1,4 triệu trẻ em ở Nigeria, Somalia, Yemen, và Nam Sudan đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Sau hơn 3 năm chiến tranh đã đẩy khoảng 3 triệu người vào cảnh thất tán, nay Nam Sudan đang rơi vào tình trạng đói kém. Người dân đang chịu đói kém nặng ở Nam Sudan nằm trong số nhiều triệu người cùng chung số phận ở vùng Sừng Phi châu, tất cả đều chịu ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng. Nạn đói kém ở Nam Sudan còn chịu một thêm một mối nguy hiểm khác, đó là mất an ninh lương thực. Các cơ quan cứu trợ đang nỗ lực cứu đói cho hay họ không đến được những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn vì chiến tranh giữa chính phủ và phiến quân. Thông tín viên Mariama Diallo của đài VOA có bài tường trình.

Cơ quan nhi đồng Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNICEF, cho hay nạn đói kém ở Nam Sudan đang là một thảm họa.

Bà Marixie Mercado, giới chức của UNICEF, nói:

"Chúng tôi ước tính gần 1,4 triệu trẻ em ở Nigeria, Somalia, Yemen, và Nam Sudan, nơi tình trạng đói kém được tuyên bố chính thức, đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng và đang kề cận với nguy cơ chết vì đói."

Báo cáo chính thức về trình trạng đói kém tại một số nơi ở Nam Sudan nhấn mạnh rằng người dân đang chịu cảnh đói kém nghiêm trọng do cuộc nội chiến gây ra.

Ông Isaiah Chol Aruai là giám đốc Cục Thống kê Nam Sudan.

"Ảnh hưởng hằn sâu của cuộc xung đột, cộng với giá cả lương thực tăng cao, khủng hoảng kinh tế, sản lượng nông nghiệp thấp và cơ hội mưu sinh cạn kiệt."

Ông Aruai nói tiếp rằng hậu quả là 4,9 triệu người đang đói khát.

Ông Eugene Owusu, điều phối viên chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên hiệp quốc dành cho Nam Sudan, nói rằng bi kịch chính phần lớn là do con người gây ra.

"Phần lớn là do mất an ninh, những thách thức mà các nhân viên cứu trợ thường xuyên đối mặt. Nhân viên cứu trợ bị tấn công, và tài sản của các tổ chức cựu trợ bị đánh cướp, hôi của."

Ông David Shearer, người đứng đầu phái bộ Liên hiệp quốc ở Nam Sudan, trong chuyến đi thăm Malakal hôm thứ Sáu tuần trước cho biết các lực lượng của chính phủ gây khó khăn, không cho các cơ quan cứu trợ tiếp cận các gia đình bị thất tán vì những cuộc giao tranh mới đây trong khu vực.

"Ngay vào lúc này chúng tôi đang gặp khó khăn thực sự bên bờ tây của sông Nile, khu vực Wau Shilluk, nơi có khoảng 20.000 người di tản khỏi Wau Shiluk và đang di chuyển đến một khu làng khác. Buổi sáng hôm đó, chúng tôi tìm cách băng qua sông, nhưng các lực lượng quân sự của chính phủ không cho phép chúng tôi đi vào Wau Shilluk."

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir hôm thứ Ba hứa rằng các cơ quan cứu trợ được bảo đảm an toàn để tiếp cận với thường dân đang bị đói.

"Chính phủ sẽ bảo đảm rằng tất cả các tổ chức phát triển và nhân đạo được tiếp cận không hạn chế với dân chúng trên cả nước."

Ông Brian Adeba, cố vấn về chính sách châu Phi của tổ chức Enough Project, nói rằng giải pháp duy nhất là cộng đồng quốc tế cần phải giúp khởi động một tiến trình hòa bình, một điều mà ông nói là hiện đang thiếu vắng.

"Cộng đồng quốc tế cần phải cân nhắc lại điều gì quan trọng hơn: chăm lo cho những người thất tán, chữa trị các triệu chứng hay trị nguyên nhân gây ra vấn đề."

Cuộc nội chiến Nam Sudan đang chia rẽ đất nước theo sắc tộc, dẫn đến nguy cơ mà Liên hiệp quốc cảnh báo là sẽ rất tàn khốc vì đói kém và diệt chủng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG