Đường dẫn truy cập

NATO kêu gọi Nga hủy tên lửa mới, cảnh báo sẽ đáp trả


Các bộ phận của hệ thống tên lửa hành trình SSC-8/0M729 trưng bày tại một cuộc họp báo ở Trung tâm triển lãm Patrio ở Moscow hôm 23/1. NATO đang hối thúc Nga hủy bỏ một loại tên lửa mới để vãn hồi hiệp ước INF ký năm 1987.
Các bộ phận của hệ thống tên lửa hành trình SSC-8/0M729 trưng bày tại một cuộc họp báo ở Trung tâm triển lãm Patrio ở Moscow hôm 23/1. NATO đang hối thúc Nga hủy bỏ một loại tên lửa mới để vãn hồi hiệp ước INF ký năm 1987.

NATO hôm 25/6 hối thúc Nga phá hủy một loại tên lửa mới trước hạn chót tháng 8 để cứu vãn một hiệp ước cấm các đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ châu Âu, nếu không Nga sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả quyết liệt hơn của liên minh NATO.

Hãng tin Reuters cho hay các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thảo luận vào ngày 26/6 về các biện pháp tiếp theo nếu Moscow tiếp tục giữ hệ thống tên lửa mà Mỹ nói sẽ cho phép các cuộc tấn công hạt nhân chớp nhoáng nhắm vào châu Âu, vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF).

“Chúng tôi kêu gọi Nga hãy chọn con đường có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy là Nga có ý định làm như vậy,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi sẽ phải đáp trả,” ông Stoltenberg nói.

Người đứng đầu NATO từ chối đi vào chi tiết, nhưng theo các nhà ngoại giao, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ xem xét giải pháp cho phép máy bay chiến đấu Mỹ tăng các chuyến bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên không phận châu Âu, đồng thời tăng huấn luyện quân sự và tái định vị các tên lửa trên biển của Mỹ ở khu vực này.

Hoa Kỳ và các đồng minh NATO muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình hạt nhân 9M729/SSC-8, Moscow cho đến nay vẫn từ chối làm điều đó. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc là họ vi phạm hiệp ước INF, và tố cáo ngược lại rằng chính Washington đang tìm cách khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.

Mỹ tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp ước INF vào ngày 2/8 nếu các bên không đạt được thỏa thuận, và nếu điều này xảy ra, thì những hạn chế ngăn cản Mỹ phát triển tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sẽ được gỡ bỏ.

Cuộc tranh chấp này đã đào sâu hơn sự rạn nứt trong các quan hệ Đông-Tây vốn đã xuống cấp nghiêm trọng sau khi Nga thôn tính Crimea và can thiệp vào tình hình Syria.

Nga hôm 24/6 cảnh báo về một cuộc đối đầu ở tầm cỡ tương đương với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, nếu Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất gần biên giới với Nga, nhưng Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói không có bất cứ kế hoạch nào để làm như vậy.

Đại sứ Hoa Kỳ ở NATO Kay Bailey Hutchison nói với các phóng viên rằng tại thời điểm này, Washington chỉ xem xét việc sử dụng các vũ khí quy ước, chứ không phải vũ khí hạt nhân, trong bất cứ hành động đáp trả nào trong tương lai.

Bà Hutchison cho biết: “Mọi giải pháp đều được để ngỏ nhưng chúng tôi chỉ cân nhắc việc sử dụng các hệ thống vũ khí quy ước. Đó là điều quan trọng mà các đồng minh EU của chúng tôi cần biết.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG