Đường dẫn truy cập

Nga thúc NATO huỷ lời hứa cho Ukraine làm thành viên


Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngày 10/12, Nga yêu cầu NATO hủy bỏ cam kết năm 2008 với Ukraine và Gruzia rằng họ sẽ trở thành thành viên của khối một ngày nào đó, và nói rằng liên minh này phải hứa không triển khai vũ khí ở các quốc gia giáp biên giới với Nga vì có thể đe dọa an ninh của nước này.

Những yêu cầu trên được Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong tuyên bố đầy đủ nhất về những đảm bảo an ninh mà Tổng thống Vladimir Putin nói ông muốn có từ Hoa Kỳ và các đồng minh.

Các yêu cầu bao gồm đề xuất thiết lập một cuộc đối thoại quốc phòng thường xuyên và tránh những lần suýt va chạm giữa máy bay quân sự và tàu chiến có thể tạo cơ sở cho cuộc thảo luận với Washington sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ trong tuần này giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên theo Reuters, việc Nga yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, vốn là điểm nóng dễ biến động nhất trong quan hệ Đông-Tây, là điều mà Washington và Kyiv đã loại trừ triệt để.

Bộ Ngoại giao Nga nói NATO đang trên đà lôi kéo Ukraine, và từ đó dẫn đến việc triển khai các hệ thống tên lửa nhắm vào Nga.

“Hành vi vô trách nhiệm như vậy tạo ra những mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh của chúng tôi và gây ra những rủi ro quân sự nghiêm trọng cho tất cả các bên liên quan, ngay vào thời điểm xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn ở châu Âu”, Bộ này nói.

“Vì lợi ích cơ bản của an ninh châu Âu, cần phải chính thức bác bỏ quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 rằng ‘Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO’”.

Ukraine và Gruzia là hai nước cộng hòa trước đây thuộc Liên Xô, trong đó Nga đóng vai trò thống trị. Kyiv hiện cáo buộc Nga điều hàng chục ngàn binh sĩ đến biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn có thể xảy ra, và ông Biden tuần này nói với ông Putin rằng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng nếu điều đó xảy ra.

Nga phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhưng cáo buộc Ukraine và Mỹ có hành vi gây bất ổn, đồng thời nói rằng họ cần đảm bảo an ninh để bảo vệ chính mình.

Bộ Ngoại giao cho biết Moscow đang đề xuất một loạt các bước để giảm căng thẳng, bao gồm tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở các giới hạn đã thỏa thuận từ biên giới Nga-NATO và thiết lập khoảng cách an toàn giữa các tàu chiến và máy bay của đối phương, đặc biệt là ở Baltic và Hắc Hải.

Moscow cũng kêu gọi tái lập đối thoại quốc phòng thường xuyên với Hoa Kỳ và NATO, đồng thời kêu gọi Washington tham gia thỏa thuận ngưng triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG