Đường dẫn truy cập

Nga đề nghị NATO rời Đông Âu, không động đến Liên Xô cũ


Quân Nga tập trung ở bán đảo Crimea hồi tháng 4/2021 (ảnh tư liệu).
Quân Nga tập trung ở bán đảo Crimea hồi tháng 4/2021 (ảnh tư liệu).

Hôm thứ Sáu 17/12, Nga nói họ muốn có sự đảm bảo có giá trị pháp lý rằng liên minh quân sự NATO sẽ từ bỏ mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine, và đây là một trong những đề nghị về đảm bảo an ninh mà Nga có tham vọng đàm phán với phương Tây.

Những đề nghị này lập thành một bộ trọn gói mà Moscow nói rằng đó là một yêu cầu thiết yếu để giảm căng thẳng ở châu Âu và tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine. Các nước phương Tây cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng mới, nhưng Nga phủ nhận.

Gói đề nghị của Nga còn có thêm các điều như Nga có quyền phủ quyết thực sự đối với việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO – đây là điều mà phương Tây đã bác bỏ.

Lần đầu tiên trình bày chi tiết về các đề nghị này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên rằng Nga và phương Tây phải bắt đầu xây dựng lại quan hệ giống như đặt bút viết trên một trang giấy trắng.

Ông Ryabkov cho hay Nga sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán sớm nhất là vào thứ Bảy 18/12, với Geneva là địa điểm khả dĩ, và đoàn đàm phán của họ đã sẵn sàng.

Moscow đã chuyển gói đề nghị của họ cho Hoa Kỳ vào đầu tuần này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về việc quân đội Nga tập trung gần Ukraine.

Hãng thông tấn Nga RIA tóm tắt những điểm chính trong gói đề nghị của Moscow gồm:

- Không mở rộng thêm NATO và loại trừ việc Ukraine gia nhập khối liên minh này

- Không triển khai thêm quân và vũ khí bên ngoài các quốc gia mà họ đã có mặt vào tháng 5/1997 (trước khi có bất kỳ nước Đông Âu nào gia nhập liên minh) - trừ những trường hợp ngoại lệ được sự đồng ý của Nga và các thành viên NATO

- Từ bỏ mọi hoạt động quân sự của NATO ở Ukraine, Đông Âu, vùng Caucasus và Trung Á

- Không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở nơi chúng có thể tấn công lãnh thổ của phía bên kia

- Không tập trận với quy mô lớn hơn một lữ đoàn quân trong một khu vực biên giới đã thống nhất và thường xuyên trao đổi thông tin về các cuộc diễn tập quân sự

- Khẳng định rằng các bên không coi nhau là đối thủ và đồng ý giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình và kiềm chế không sử dụng vũ lực

- Cam kết không tạo ra các tình trạng mà bên kia có thể coi là mối đe dọa

- Lập đường dây nóng để liên lạc về các tình huống khẩn cấp.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG