Đường dẫn truy cập

Nghệ An: Người dân chống dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng vì lo về môi trường


Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Nghệ An bị người dân phản đối do họ lo ngại về các vấn đề môi trường.
Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Nghệ An bị người dân phản đối do họ lo ngại về các vấn đề môi trường.

Người dân một xã ở tỉnh Nghệ An biểu tình trong một số ngày cách đây chưa lâu để phản đối một dự án nghĩa trang vì lo ngại về ô nhiễm môi trường, một số người địa phương cho VOA biết.

Dự án mang tên “Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng” được chính quyền Nghệ An chấp thuận hồi tháng 8/2017, dự kiến được xây dựng trên một vùng đất rộng trên 80 hectare ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Giai đoạn 1 của dự án chỉ làm trên diện tích 32,5 ha.

Nếu được hoàn thành với quy mô đầy đủ, nghĩa trang sẽ phục vụ chôn cất và hỏa táng cho tổng cộng hơn 47.000 người đã khuất. Chủ đầu tư dự án là một công ty thành viên thuộc Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, có tiếng ở Việt Nam về nhiều dự án nghĩa trang.

Tuy nhiên, theo các báo nhà nước trong đó có Môi Trường và Đô Thị, Nông Thôn Ngày Nay và Đại Đoàn Kết, đã mấy năm trôi qua kể từ khi được chính quyền chấp thuận, dự án hiện vẫn đang dẫm chân tại chỗ bởi khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

Báo Đại Đoàn Kết hôm 11/9 trích dẫn lời ông Hoàng Anh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên cho biết rằng nguyên nhân chậm dự án chính là do người dân “vẫn không đồng tình với giá đền bù”. Quan chức này nói thêm rằng hiện huyện “đang nỗ lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án”.

Sau đó, hôm 19/9, báo Môi Trường và Đô Thị có bài tường thuật về tình hình bế tắc của dự án, trong đó dẫn lại phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Chung đánh giá rằng đây là dự án quan trọng, phục vụ dân sinh, và càng trở nên thiết yếu hơn trong hoàn cảnh có nhiều người tử vong vì đại dịch COVID-19, cần được hỏa táng.

Đành rằng phải giải quyết vấn đề an táng người chết, thế nhưng vấn đề môi trường cho người sống thì giải quyết thế nào?
Người dân chất vấn chính quyền tỉnh Nghệ An


Vị chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ tịch huyện Hưng Nguyên “tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ phần đất còn lại của giai đoạn 1 cho chủ đầu tư dự án trước ngày 20/9/2021”, theo tin của Môi Trường và Đô Thị.

Yêu cầu tiếp theo của chủ tịch Nghệ An là sau khi tiếp nhận mặt bằng, chủ đầu tư dự án cần tập trung nguồn lực để “thi công gấp rút, hoàn thành 2 lò hỏa táng và các công trình phụ trợ liên quan trước ngày 30/11/2021”, vẫn theo Môi Trường và Đô Thị.

Tuy nhiên, những người dân sống ngay gần dự án ở xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, cho VOA biết hôm 21/9 rằng họ phản đối dự án trước hết vì những lo ngại về môi trường. Vấn đề môi trường phải được giải quyết đầu tiên rồi mới có thể bàn về giá đất, theo lời họ.

Hai ông Phan Văn Khương và Phạm Hữu Hiển, những người hiểu rõ về dự án và đại diện cho người dân địa phương, nói với VOA rằng các cuộc đàm phán về dự án đã bắt đầu từ năm 2011 và lần họp cuối cùng là ngày 1/7/2020 nhưng không đi đến thỏa thuận nào.

Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Nghệ An đang dở dang vì bị dân phản đối do có lo ngại về môi trường.
Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Nghệ An đang dở dang vì bị dân phản đối do có lo ngại về môi trường.

Mặc dù vậy, cách đây gần 2 tuần, chủ đầu tư vẫn tiến hành động thổ vào lúc 8h30 tối, giữa lúc tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 của chính phủ về giãn cách xã hội thời đại dịch, không được tập trung đông người, và xây dựng không thuộc danh mục các hoạt động thiết yếu.

Cho rằng đây là việc làm khuất tất, người dân địa phương đành phải bất chấp Chỉ thị 16 và kéo đến dự án để biểu tình phản đối, ông Khương cho biết. Ông nói thêm:

“Nhân dân bức xúc biểu tình mấy ngày. Nhân dân biểu tình cũng rất văn hóa thôi, không ai đập phá làm gì cả. Người ta chỉ đề nghị phải họp, phải bàn đã, phải thống nhất được vấn đề môi trường. Môi trường phải đảm bảo mới được làm. Nếu không, không được làm”.

Vài trăm cảnh sát đã được điều đến hăm dọa, họ đông không kém gì những người biểu tình, theo thông tin của ông Khương.

Quan điểm của chúng tôi là chỗ này không đủ điều kiện để làm lò thiêu, làm nghĩa trang lớn như thế. Chúng tôi không đồng tình bởi vì điều kiện môi trường không thể đảm bảo được.
Ông Khương, đại diện người dân


Hai vị đại diện của người dân nêu ra vấn đề làm người địa phương lo ngại là lò thiêu của dự án nghĩa trang không đảm bảo khoảng cách tối thiếu là 1.500 mét tính từ hàng rào của lò đến hàng rào của khu dân cư. Thêm vào đó, lò lại nằm ở trên nguồn nước và đầu nguồn gió, cũng là những yếu tố vi phạm các quy định về môi trường.

Ông Khương cho biết về số người có thể bị ảnh hưởng xấu từ dự án:

“Xóm của chúng tôi có trên 300 hộ dân, như vậy là trên dưới 1.000 nhân khẩu. Đó là chúng tôi bị trực tiếp. Còn nơi khác cũng bị ảnh hưởng là khu vực xuôi nguồn nước, xuôi nguồn gió là xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Tây, họ phải trên 1.000 dân, rồi khu vực Thượng Khê cũng trên 1.000 dân”.

Những vị đại diện người dân địa phương nói rằng các cán bộ xã cũng không muốn đưa dự án về nhưng họ “phải chấp hành” với cấp trên.

Vẫn các vị đại diện cho hay người dân xóm Phúc Điền đã nhiều lần kiến nghị, chất vấn chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh, bao gồm cả câu hỏi “Đành rằng phải giải quyết vấn đề an táng người chết, thế nhưng vấn đề môi trường cho người sống thì giải quyết thế nào?”, nhưng các quan chức đó “không trả lời được”.

Về yêu cầu hàng đầu từ phía người dân, ông Khương cho hay:

“Giải pháp tốt nhất là nên đưa [dự án] đi, không nên làm, vì tỉnh Nghệ An còn những vùng đất khác rất là rộng. Quan điểm của chúng tôi là chỗ này không đủ điều kiện để làm lò thiêu, làm nghĩa trang lớn như thế. Chúng tôi không đồng tình bởi vì điều kiện môi trường không thể đảm bảo được”.

Trong trường hợp không thể hủy bỏ dự án nghĩa trang, phương án bất đắc dĩ là di dời, tái định cư người dân, ông Khương nói. Theo lời ông, nếu không làm như vậy, người dân sẽ bị bệnh hoạn, dẫn đến bất bình, thậm chí đụng độ, cuối cùng chỉ có người dân là khổ.

Bên cạnh vấn đề môi trường hiện vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, đang tiềm ẩn một bất đồng khác giữa người dân và chính quyền, đó là giá đất. Thay mặt người dân, ông Khương khẳng định “đất để làm dự án có tính chất phục vụ kinh doanh, không phải phục vụ công ích, điện, đường, trường, trạm, nên mức giá đền bù nhà nước đưa ra là không có được”.

VOA cố gắng liên lạc với các quan chức chính quyền để tìm hiểu thêm song không kết nối được.

VOA Express

XS
SM
MD
LG