Đường dẫn truy cập

Nghị viện Châu Âu đóng băng việc phê chuẩn hiệp định đầu tư với Bắc Kinh


Ủy viên Thương mại Phil Hogan bắt tay với vị đồng cấp trung quốc Zhong Shan trước sự chứng kiến của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và TT Pháp Emmanuel Macron tại lễ ký kết ngày 6/11/2019
Ủy viên Thương mại Phil Hogan bắt tay với vị đồng cấp trung quốc Zhong Shan trước sự chứng kiến của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và TT Pháp Emmanuel Macron tại lễ ký kết ngày 6/11/2019

Nghị viện châu Âu hôm 20/5 đình chỉ tiến trình phê chuẩn hiệp định đầu tư mới với Trung Quốc cho tới khi nào Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh chế tài đối với các chính khách EU, làm tăng thêm tranh chấp trong quan hệ Trung-Âu và ngăn cản các công ty EU tiếp cận rộng rãi hơn các thị trường Trung Quốc.

Nghị quyết của EU, đóng băng việc phê chuẩn hiệp định đầu tư với Trung Quốc, được thông qua với 599 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Đạt được hồi tháng 12 năm 2020 sau 7 năm đàm phán, thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc nhắm mục đích đưa các công ty EU lên thế ngang hàng ở Trung Quốc, đồng thời củng cố vị thế của Bắc Kinh như một đối tác thương mại đáng tin cậy.

Tuy nhiên, hồi tháng 3, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp chế tài đối với 10 chính trị gia EU, cùng các tổ chức tư vấn chính sách và cơ quan ngoại giao, để đáp trả các biện pháp chế tài của phương Tây đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc là giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tây Bắc Trung Quốc.

Các biện pháp chế tài của Trung Quốc cũng áp dụng đối với 5 thành viên của Hội đồng EU và tiểu ban nhân quyền của khối này.

"Trung Quốc đã tính toán sai lầm. Họ nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và suy xét lại. Do các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, Hiệp định Toàn diện về Đầu tư đã bị đóng băng", ông Reinhard Butikofer, một nhà lập pháp EU người Đức bị Bắc Kinh nhắm tới với lệnh trừng phạt, nói.

Các nhà lập pháp EU cho rằng các biện pháp chế tài của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi các biện pháp của EU, như của Anh và của Hoa Kỳ, nhằm vào các hành động vi phạm nhân quyền được ghi trong các công ước của Liên Hiệp Quốc.

Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Quốc hội EU viết trong nghị quyết:

"Quốc hội yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh chế tài trước khi bàn tới hiệp định đầu tư". Nghị quyết này không có tính ràng buộc pháp lý nhưng hiện là quan điểm chính thức của quốc hội. "Quan hệ EU-Trung Quốc có lẽ không thể tiếp tục như bình thường".

Đáp lại, phái bộ của Trung Quốc tại EU nói hiệp định đầu tư là "đôi bên cùng có lợi" chứ không phải là một đặc ân của bên này cho bên nọ.

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc là một phản ứng hợp pháp đối với các hành động của EU.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết tại cuộc họp báo thường ngày hôm thứ Sáu rằng ông hy vọng EU "có thể bớt phản ứng qua cảm xúc để suy nghĩ hợp lý hơn, đồng thời ra quyết định đúng đắn phù hợp với các lợi ích của chính mình."

Bế tắc này là một bước lùi đối với cả Trung Quốc và EU. Việc phê chuẩn hiệp định đầu tư sẽ bảo vệ tốt hơn các đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu ở Trung Quốc. Các nhà ngoại giao châu Âu nói Trung Quốc hy vọng sẽ cải thiện vị thế quốc tế như một đối tác thương mại công bằng và được tôn trọng.

Các nhà hoạt động và các chuyên gia về nhân quyền của LHQ nói có ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương.

Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản đối với người Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và khẳng định rằng các trại tập trung của Trung Quốc tại đó cung cấp các khóa huấn nghiệp và là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG