Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi sự minh bạch trước vụ xử ông Morsi


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry – giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Ai Cập kể từ sau cuộc đảo chính tổng thống Mohamed Morsi - đã gặp các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của nước này hôm Chủ nhật. Thông tín viên VOA Scott Stearns tường thuật rằng Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi thực thi công lý minh bạch, một ngày trước phiên tòa xử cựu tổng thống Morsi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng không có gì là bí mật về việc Ai Cập đang trải qua thời điểm khó khăn từ khi quân đội tiếp quản đất nước sau những biến động hồi tháng 7, tuy nhiên ông nói với các giới chức Ai Cập rằng Tổng thống Obama tin tưởng Ai Cập sẽ vượt qua thách thức. Ngoại trưởng Mỹ nói:

"Hoa Kỳ tin rằng quan hệ đối tác giữa 2 nước sẽ vững mạnh hơn bao giờ hết khi đất nước Ai Cập được đại diện bởi một chính phủ dân sự bầu lên một cách dân chủ, đặt nền tảng trên pháp quyền, các quyền tự do căn bản, và một nền kinh tế cạnh tranh, và cởi mở."

Chuyến đến thăm Ai Cập của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra một ngày trước khi phiên tòa xử ông Morsi theo thời biểu ấn định. Ông Kerry nói rằng điều quan trọng là tất cả người Ai Cập đều được xét xử minh bạch, công bằng và đúng thủ tục pháp lý.

Trước tình hình bạo động tiếp theo sau vụ đảo chính lật đổ ông Morsi, Hoa Kỳ đã hoãn chuyển giao một số hệ thống võ khí quan trọng cho Ai Cập, tuy nhiên vẫn tiếp tục cung cấp phần lớn chương trình viện trợ quân sự, theo một đường lối trung dung mà theo ông Akbar Ahmed, Giáo sư đại học American University thì không làm cho ai hài lòng. Ông nói:

“Cả 2 sẽ phía đều chỉ trích. Cả hai phía đều sẽ nói rằng như vậy chưa đủ. Quý vị phải chọn một bên.”

Phân tích gia của viện Cato, ông Doug Bandow cho rằng những người ủng hộ ông Morsi trong nhóm Huynh đệ Hồi giáo tin là Hoa Kỳ chọn quân đội Ai Cập hơn là chế độ dân chủ non trẻ của họ. Ông nói:

“Có rất nhiều lý do để người ta không thích tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Tuy nhiên đây là một tổ chức gồm nhiều thành phần. Đây là một tổ chức phức tạp. Đây là một tổ chức đa quốc. Và sự kiện họ hướng đến tiến trình dân chủ là một điều tích cực."

Bandow nói rằng đẩy nhóm Huynh đệ Hồi giáo trở lại hoạt động ngầm sẽ khiến cho nhóm này cực đoan hơn. Ông nói:

“Chúng ta đang có nguy cơ phá hủy thành phần lãnh đạo có phần nào ôn hòa, cho dù điều gì xảy ra bên ngoài, và đang có một thành phần lãnh đạo trẻ hơn, và cực đoan hơn vươn lên.”

Phân tích gia Manal Omar của Viện nghiên cứu Hòa bình của Hoa Kỳ (US Institute of Peace) nói rằng việc Hoa kỳ làm thế nào mang lại những kỳ vọng chính trị ở Ai Cập và trong khắp khu vực Bắc Phi nhiên hậu sẽ giúp xác định di sản của cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập cũng như việc giới trẻ tham gia vào các sự kiện đó. Ông nói:

“Trong một thời gian dài họ tin rằng chỉ có bạo động là phương cách duy nhất để tiếng nói họ được lắng nghe. Tuy nhiên thời đại này có một cách khác. Có thùng phiếu. Có một lối khác để đi xuyên suốt qua hệ thống. Và nó tạo được một sự chuyển đổi rất lớn mô thức suy nghĩ của giới trẻ. Mối quan ngại của tôi về những gì đang diễn ra ở Ai Cập là chúng ta đang chuyển đi thông điệp rằng quý vị đang bị đánh lừa. Đó không phải là một cách để được lắng nghe. Thực sự chỉ có bạo động.”

Ngoại trưởng Kerry nói rằng những tiến bộ hướng đến việc chuyển tiếp sang chế độ dân chủ liên hệ đến sự thành công của toàn thể kinh tế của Ai Cập.

Và Hoa Kỳ tin rằng chính phủ chuyển tiếp được quân đội hậu thuẫn cho đến giờ đã chứng tỏ quyết tâm đưa đất nước trở lại chế độ cai trị dân sự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG