Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ, Nga ‘lời qua tiếng lại’ về vấn đề Ukraine


Ảnh phối hợp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) tại hội nghị G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/3/2023.
Ảnh phối hợp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) tại hội nghị G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/3/2023.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Hoa Kỳ đạo đức giả sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng không thể để Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraine mà không bị trừng phạt, trong một diễn đàn an ninh mà họ tham dự ở New Delhi vào ngày 3/3.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu từ Moscow và Washington tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại thủ đô Ấn Độ vào đầu tuần này và gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước.

“Nếu chúng ta cho phép Nga làm những gì họ đang làm ở Ukraine mà không bị trừng phạt, thì đó là một thông điệp gửi tới những kẻ có khả năng gây hấn ở khắp mọi nơi rằng họ cũng có thể thoát khỏi điều đó”, ông Blinken nói tại diễn đàn các vấn đề chiến lược Đối thoại Raisina.

Phát biểu tại cùng một diễn đàn về các vấn đề chiến lược sau ông Blinken, ông Lavrov nói rằng đó là “tiêu chuẩn kép” khi chất vấn về hành động của Nga ở Ukraine trong khi Hoa Kỳ viện dẫn “mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia” để biện minh cho sự can thiệp quân sự ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, bao gồm cả chiến tranh ở Iraq, các cuộc không kích vào Libya và ném bom Yugoslavia trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999.

Ông Lavrov cũng nói câu hỏi về thời điểm Nga sẽ đàm phán chấm dứt chiến tranh nên được đặt ra cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

“Mọi người đang hỏi khi nào Nga sẽ đàm phán...phương Tây liên tục nói rằng chưa đến lúc đàm phán vì Ukraine phải giành chiến thắng trên chiến trường trước bất kỳ cuộc đàm phán nào”, ông nói.

Tại G20, Hoa Kỳ và các đồng minh kêu gọi các nước thành viên tiếp tục gây áp lực buộc Nga phải chấm dứt xung đột, nhưng G20 đã không thể thống nhất về một tuyên bố chung về cuộc chiến do sự phản đối của Trung Quốc và Nga, nước gọi hành động của họ là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ những gì họ nói là mối đe dọa đối với an ninh của chính mình.

Ngoại trưởng Nga tiếp tục cáo buộc Washington “nỗ lực quân sự hóa” Đối thoại An ninh Tứ giác, một quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tập trung vào các vấn đề chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đó trong ngày, ông Blinken đã gặp những người đồng cấp của mình từ Bộ tứ Quad và họ đã đưa ra một tuyên bố rằng “việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận.”

Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt và đe dọa nối lại các vụ thử hạt nhân.

Trong cuộc trao đổi ngắn bên lề cuộc họp G20 hôm 2/3, ông Blinken nói với ông Lavrov rằng hãy chấm dứt chiến tranh và kêu gọi Moscow đảo ngược việc đình chỉ START Mới (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược).

Tuyên bố của nhóm Quad cũng nhắm vào Trung Quốc bằng cách lên án các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và “quân sự hóa” các vùng lãnh thổ tranh chấp trong khu vực.

Trung Quốc tố cáo Quad là một cấu trúc thời Chiến tranh Lạnh và là một nhóm riêng biệt “nhắm mục tiêu vào các nước khác”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG