Đường dẫn truy cập

Người Mỹ bị giảm 1 năm tuổi thọ thời đại dịch, nhiều nhất kể từ Thế chiến II


Các lá cờ được cắm tại Quảng trường Quốc gia, thủ đô Washington, để tưởng nhớ các nạn nhân đại dịch.
Các lá cờ được cắm tại Quảng trường Quốc gia, thủ đô Washington, để tưởng nhớ các nạn nhân đại dịch.

Giới chức y tế cho biết tuổi thọ người dân ở Hoa Kỳ giảm mất một tuổi, mức đáng kinh ngạc, trong nửa đầu năm 2020 khi đại dịch virus corona gây ra làn sóng tử vong đầu tiên.

Theo ước tính sơ bộ do Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra hôm thứ Năm 18/2, các sắc dân thiểu số chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong đó, người Mỹ da đen bị giảm gần ba năm tuổi thọ và người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha giảm mất gần hai năm.

Robert Anderson, người giám sát vấn đề này của CDC, nói: “Đây là mức sụt giảm lớn. Ta phải quay lại thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai, những năm 1940, mới thấy mức suy giảm như thế này".

Các chuyên gia y tế khác nói rằng điều này cho thấy tác động sâu sắc của dịch COVID-19, không chỉ đối với các trường hợp tử vong trực tiếp do nhiễm virus mà còn do bệnh tim, ung thư và các bệnh khác.

“Điều thực sự gây chú ý trong những con số này là chúng mới chỉ phản ánh nửa đầu năm 2020… Tôi dự báo là những con số này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn”, nữ tiến sĩ Kirsten Bibbins-Domingo, một nhà nghiên cứu về sức khỏe và là trưởng khoa tại Đại học California, San Francisco, nói.

Đây là lần đầu tiên CDC đưa ra báo cáo về tuổi thọ từ các dữ liệu mới thu thập và chưa đầy đủ; có khả năng là số giấy chứng tử của giai đoạn nửa đầu năm 2020 vẫn chưa được thống kê hết. Người ta biết rằng năm 2020 là năm chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, với con số người chết lần đầu tiên lên tới 3 triệu người.

Khái niệm “tuổi thọ” nói về thời gian sống ước lượng của một người sinh ra ngày nay là bao lâu, tính trung bình.

Trong nửa đầu năm ngoái, tuổi thọ người Mỹ nói chung là 77,8 tuổi, giảm một năm so với mức 78,8 tuổi của năm 2019. Đối với nam giới là 75,1 tuổi và đối với nữ giới là 80,5 tuổi.

Tính theo nhóm sắc tộc, người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ có tuổi thọ cao nhất và họ vẫn duy trì vị trí này. Người da đen hiện kém người da trắng sáu năm về tuổi thọ, như vậy là có sự đảo ngược về xu hướng, trước đây, người da đen dần thu hẹp về khoảng cách tuổi thọ trong suốt một giai đoạn dài kể từ năm 1993.

Từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, tuổi thọ của người da đen giảm 2,7 tuổi xuống còn 72 tuổi. Tuổi thọ của người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha giảm 1,9 tuổi, xuống 79,9; và mức giảm ở người da trắng là 0,8 tuổi, xuống 78 tuổi. Báo cáo sơ bộ không phân tích xu hướng ở người châu Á hoặc người Mỹ bản địa.

Bà Bibbins-Domingo cho biết: “Các cộng đồng người da đen và gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha trên khắp Hoa Kỳ đã hứng chịu tác động nặng nề của đại dịch này”.

Có xác suất cao là nhiều người trong số họ làm việc ở tuyến đầu, công việc lương thấp và sống trong môi trường đông đúc, nơi virus dễ lây lan hơn, và "thường có bệnh nền với tỷ lệ cao hơn rõ rệt" khiến làm tăng nguy cơ họ bị tử vong vì COVID-19, bà nói.

Bà nói thêm rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để phân phối vắc-xin một cách đồng đều, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ tốt hơn các sắc dân thiểu số khỏi bị lây nhiễm và đưa những điều này vào các biện pháp cứu trợ kinh tế.

Tiến sĩ Otis Brawley, một chuyên gia về ung thư và giáo sư ngành sức khỏe cộng đồng tại Đại học Johns Hopkins, đồng ý.

“Trọng tâm thực sự là phải làm sao để mọi người Mỹ đều được hưởng sự chăm sóc đầy đủ, rộng khắp. Và chăm sóc sức khỏe cần được định nghĩa là cả dự phòng lẫn điều trị”, ông nói.

Nhìn chung, sự sụt giảm về tuổi thọ là bằng chứng bổ sung cho thấy “chúng ta đã xử lý đại dịch không đúng cách”, tiến sĩ Brawley nói.

“Chúng ta bị virus corona tàn phá nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng ta chiếm 4% dân số thế giới, nhưng có tới hơn 20% số ca tử vong do virus corona trên thế giới”, ông nói.

Vẫn tiến sĩ Brawley nói thêm rằng không sử dụng khẩu trang đầy đủ, thời gian đầu phụ thuộc vào các loại thuốc như hydroxychloroquine (tức ký ninh) “mà hóa ra là vô ích”, và những sai lầm khác khiến nhiều người Mỹ chết một cách phí hoài.

Ông khuyến cáo: “Trong tương lai, chúng ta cần thực hành những điều cơ bản” như rửa tay, giữ gìn thể chất và tiêm phòng vắc-xin càng sớm càng tốt để việc phòng ngừa trở lại đúng hướng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG