Đường dẫn truy cập

Người Rohingya bị 'bịt miệng' khi bà Suu Kyi đến Thái Lan


Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan, ngày 23/6/2016.
Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan, ngày 23/6/2016.

Vấn đề nhạy cảm về đối xử với người tị nạn Rohingya ở Thái Lan đã phủ bóng đen lên thời điểm bắt đầu chuyến thăm của nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar đến nước láng giềng Thái Lan hôm thứ Năm.

Khi phi cơ chở Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi trên đường tới Phi trường Suvarnabhumi, các nhà hoạt động ở Bangkok đã nhanh chóng bị chính quyền quân sự của Thái Lan bịt miệng.

Một cuộc trấn áp tự do ngôn luận ở Thái Lan trước chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi

Một nhóm nhỏ cảnh sát và binh sỹ, không mặc quân phục, đã ngăn một nhóm người tổ chức một cuộc họp báo tại một địa điểm họ đã thuê ở Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Thái Lan.

Bà Amy Smith, Giám đốc Điều hành của tổ chức Fortify Rights, nói với đài VOA tại địa điểm của cuộc họp báo: “Có quan ngại về an ninh quốc gia. Sự kiện này chẳng đến mức đó. Đây là một sự vi phạm quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa”.

Hai nhà hoạt động đòi sự đối xử tốt hơn đối với người Rohingya thiểu số ở Myanmar đã đọc một bức thư ngắn gửi bà Aung San Suu Kyi và giải thích rằng họ bị tập đoàn quân sự cấm trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Khi rời diễn đàn, Tổng thư ký của Nhóm Rohingya tại Thái Lan Hajee Ismail nói thêm: “Tôi không thể nói lúc này. Đây là một vấn đề lớn”, đồng thời ông lấy tay che miệng.

Chủ tịch Hiệp hội Rohingya Miến Điện ở Thái Lan, Maung Kyaw Nu, nói ông từng là chính trị phạm ở Myanmar. Ông đã buộc khăn quanh miệng trong ít phút khi ông đi qua đám đông phóng viên Thái và quốc tế. Ông dừng lại vài phút để nói với VOA và bày tỏ không hy vọng nhiều là bà Aung San Suu Kyi sẽ giải quyết nỗi thống khổ của người Rohingya trong chuyến thăm của bà.

Ông nói: “Chúng tôi không thể nhận được gì từ bà ấy vì bà ấy cũng vi phạm nhân quyền (của người Rohingya)”.

Báo chí đưa tin về chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi sẽ bị hạn chế

Việc đưa tin về bà Aung San Suu Kyi đang bị nhà chức trách Thái hạn chế ở một mức độ khác thường.

Dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung với ông Prayuth hôm thứ Sáu trong một lễ ký kết, nhưng người ta nói với các phóng viên rằng sẽ không nhận các câu hỏi.

Nhà lãnh đạo Myanmar cũng sẽ phát biểu hồi đầu ngày tại Bộ Ngoại giao ở Bangkok, nhưng các cơ quan báo chí được thông báo rằng họ chỉ được phép chụp ảnh hoặc ghi hình bài diễn văn khai mạc của bà.

Không bàn về người Rohingya

Di dân người Rohingya ngồi trên sàn nhà tại văn phòng huyện Rattaphum, tỉnh Songkla, miền nam Thái Lan.
Di dân người Rohingya ngồi trên sàn nhà tại văn phòng huyện Rattaphum, tỉnh Songkla, miền nam Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đứng đầu tập đoàn quân sự đang quản trị Thái Lan, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ông đã đồng ý không thảo luận bất cứ khía cạnh nào về người Rohingya với bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm của bà.

Sam Zarifi, Giám đốc Khu vực của Ủy hội Luật gia Quốc tế, nói với VOA: “Thật là đáng buồn khi mà bàn thảo về người Rohingya ở Yagoon còn dễ hơn ở Bangkok”.

Các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Thái Lan chấm dứt điều mà họ coi là sự cầm giữ tùy tiện và vô hạn định những người Hồi giáo Rohingya và những người khác đã đến Thái Lan bằng đường biển.

Hầu hết những người Rohingya đã đi thuyền từ bang Rakhine ở Myanmar. Nhưng chính phủ Myanmar không công nhận họ, nói rằng thực ra họ là những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, và không chấp nhận thuật ngữ “Rohingya”, thay vào đó gọi họ là “người Bengal”.

Bà Aung San Suu Kyi muốn tập trung vào người lao động Myanmar ở Thái Lan

Hôm thứ Năm, bà Aung San Suu Kyi đã tập trung vào hàng triệu di dân từ nước bà hiện là người lao động ở Thái Lan.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà đến Thái Lan kể từ khi chính phủ nhậm chức, bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ phát biểu với mấy nghìn người Myanmar làm việc ở trung tâm ngư nghiệp duyên hải Thái Mahachai.

Hàng trăm ngàn di dân làm việc trong các ngành liên quan đến ngư nghiệp của Thái Lan, ước tính một nửa được thuê bất hợp pháp và một số vụ bóc lột những người này đã được ghi lại thành hồ sơ đầy đủ.

Tổng cộng có tới 3 triệu người Myanmar làm việc hợp pháp ở Thái Lan và có lẽ tới 2 triệu người nữa không có giấy tờ.

Thỏa thuận mới về tuyển dụng người lao động Myanmar ở Thái Lan

Trong chuyến thăm 3 ngày của bà Aung San Suu Kyi, Myanmar và Thái Lan dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận mới về tuyển dụng lao động giữa hai nước.

Khoảng thời gian tạm nghỉ sau một công việc sẽ được giảm từ 3 năm xuống 30 ngày.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của Human Rights Watch nói: “Đó là sự nhượng bộ trước thực tế”, và lưu ý rằng nhiều người Myanmay muốn ở lại Thái Lan một cách bất hợp pháp sau thời gian làm việc tối đa là 4 năm hơn là trở về nước để thực hiện khoảng thời gian tạm nghỉ kéo dài..

Ông Robertson nói với VOA: “Thành tích đối với các di dân lao động là đợi đủ lâu và chính sách sẽ thay đổi”.

Win Win Zaw đã làm việc hợp pháp trong 4 năm tại Nhà máy Hải sản Bangkok ở Mahachai và trước đó được thuê bất hợp pháp trong 4 năm. Anh nằm trong số những người sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận được trông đợi.

Anh nói: “Sẽ thuận tiện hơn nhiều vì hầu hết chúng tôi đều không muốn ở quá thời hạn”.

Ông Robertson giải thích rằng những người ở lại bất hợp pháp đối mặt với việc bị bóc lột ở Thái Lan vì “quân đội và cảnh sát xem những công nhân như những đám người là nguy cơ an ninh” và không thông cảm về vai trò quan trọng của họ trong nền kinh tế của vương quốc.

Hàng ngàn người tị nạn Myanmar vẫn ở trong các trại vùng biên ở Thái Lan

Một vấn đề song phương quan trọng khác đối với Myanmar và Thái Lan là số phận của hơn 100.000 người tị nạn từ Myanmar đang mòn mỏi trong 9 khu trại vùng biên. Nhiều người đã ở đó hàng thập kỷ vào thời kỳ nước họ bị quân đội cai trị.

Dự kiến hôm thứ Sáu bà Aung San Suu Kyi sẽ bàn thảo về việc hồi hương của những người này trong tương lai với thủ tướng Thái, một chỉ huy quân đội cách đây 2 năm đã giành quyền kiểm soát chính phủ trong một cuộc đảo chính không đổ máu.

Ông Robertson thuộc Human Rights Watch nói: “Bất cứ việc hồi hương nào cũng phải hoàn toàn tự nguyện và tôn trọng các quyền. Chúng ta phải thận trọng về việc đơn phương vội vã thúc đẩy một lịch trình mà có thể không có tính tự nguyện và gây hại cho họ”.

Theo một số tổ chức nhân quyền, một số khu vực mà người ta có thể đưa những người tị nạn đến ở trong Myanmar vẫn không ổn định hoặc còn bị gài mìn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG