Đường dẫn truy cập

Người Việt lo lắng một cái tết ảm đạm vì Covid


Ảnh tư liệu - Một đầu phố Hàng Mã được quây lại để biến thành chợ hoa Tết truyền thống, hoạt động từ ngày 20 tháng Chạp đến tận 30 Tết.
Ảnh tư liệu - Một đầu phố Hàng Mã được quây lại để biến thành chợ hoa Tết truyền thống, hoạt động từ ngày 20 tháng Chạp đến tận 30 Tết.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, cái tết Nguyên đán sẽ chính thức diễn ra. Nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid và tình trạng kinh tế ảm đạm do những biện pháp quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt nên không có nhiều người, kể cả những người có đời sống trung bình khá tại các đô thị lớn, mong ngóng về một cái tết vui vẻ, đoàn tụ bên gia đình, người thân.

Trong căn nhà nhỏ của mình nằm trên một con phố thuộc khu phố cổ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Đường, một cán bộ về hưu buồn bã chia sẻ về tình trạng làm ăn ảm đạm của mình. Bà Đường mới có cháu nội, người con trai cả mà hiện bà đang sống cùng cũng có công việc ổn định nhưng từ dịp cuối năm ngoái tới đây, công việc kinh doanh do bà phụ trách từ ngày về hưu đã không còn cho thu nhập. Căn nhà mặt phố cổ được sửa sang làm homestay cho du khách nước ngoài, cả năm nay không hề có khách do tình trạng đóng băng các chuyến bay thương mại và đóng cửa biên giới.

Tết năm nay là một cái tết 3 không, bao gồm không ăn uống, tụ tập; không chi tiêu biếu xén, và không mua sắm gì hết...


Cái tết năm nay theo bà là một cái tết đói kém nhất trong nhiều năm trở lại đây đối với rất nhiều gia đình. “Tết năm nay là một cái tết 3 không, bao gồm không ăn uống, tụ tập; không chi tiêu biếu xén, và không mua sắm gì hết. Năm nào mọi người cũng đều mua bán, sắm sử và biếu xén lẫn nhau cái này cái khác… Nhưng năm nay thì thôi rồi.” Bà Đường tâm sự.

Chị Trần Hoàng Trang, chủ một trang báo mạng chuyên về lĩnh vực du lịch tại Việt Nam cũng cho biết năm nay chị hoàn toàn không tính toán tới chuyện mua sắm hay tặng quà bất kỳ ai, cho dù là bố mẹ hay người thân trong gia đình. Doanh thu của trang báo đã sụt giảm gần hết nên thực tế chị không có khả năng để chi trả những khoản này, hơn thế giờ chị Trang cũng phải đau đầu với bài toán thưởng tết cho phóng viên và nhân viên trong những tuần tới đây.

Năm nay doanh thu của bọn em cũng đã sụt giảm chỉ còn 2/10 so với mọi năm nên em đang phải tính xem. Mặc dù công ty em cũng đỡ hơn nhiều công ty khác rồi đấy nhưng chắc chỉ dám thưởng Tết cho nhân viên mỗi người nửa tháng lương hoặc tối đa là 1 tháng lương mà thôi...


“Năm nay doanh thu của bọn em cũng đã sụt giảm chỉ còn 2/10 so với mọi năm nên em đang phải tính xem. Mặc dù công ty em cũng đỡ hơn nhiều công ty khác rồi đấy nhưng chắc chỉ dám thưởng Tết cho nhân viên mỗi người nửa tháng lương hoặc tối đa là 1 tháng lương mà thôi, chứ không thể thưởng lên tới vài tháng lương như thời gian trước. Việc mua sắm, biếu xén cho các mối quan hệ cũng phải cắt hết…” Chị Trang chia sẻ thêm với VOA.

Doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch tại Việt Nam không có thu nhập. Nhân viên bị sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí. Những người còn lại thì nhiều người từ hơn nửa năm nay chỉ nhận 50% thu nhập. Việc thưởng tết cũng bị hạn chế nên người lao động năm nay rõ ràng khó trông đợi vào một cái Tết “khấm khá” bên người thân và gia đình.

Ông Phạm Quang Nghĩa, một cư dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết từ vài năm nay, người con trai duy nhất trong gia đình đã tìm vào Tp.HCM sinh sống và làm việc. Trong 2 năm đầu, năm nào dịp Tết con ông cũng ra Hà Nội xum họp cùng ông bà. Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid bùng phát 1 năm trước, cái tết năm ngoái anh con trai đã không thể về đoàn tụ đón Tết. Năm nay, cho tới thời điểm hiện tại, trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại, ông cũng không có hy vọng gì gặp được con trai trong dịp Tết tới đây.

“Cho tới giờ nó có thấy thông báo gì đâu. Năm nay chắc lại không thể ra đây rồi. Cũng như năm ngoái, nó đi biệt có về được đâu. Nói chung năm nay buồn rồi!!!” Ông Nghĩa than thở. Theo ông Nghĩa và bà Đường, mọi năm với những người nghỉ hưu có nhiều thời gian và thích chơi Tết sớm như hai ông bà thì thời điểm này đã háo hức và rộn ràng lắm. Ông Nghĩa cũng như bà Đường đã vội vàng đi mua sắm sớm để trong nhà có không khí Tết từ trước tết hơn 1 tháng. Nhưng năm nay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái đi làm xa lại nhiều khả năng không về được nên cả hai ông bà đều không có tâm trí, mong muốn mua bán gì nữa. Năm nay, thời tiết khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội theo cả 2 ông bà thì lại lạnh hơn nhiều so với mọi năm. Xem ra một cái tết lạnh giá và ảm đạm, kém vui sẽ tới trong khi những nguy cơ về dịch bệnh Covid vẫn luôn rình rập.

VOA Express

XS
SM
MD
LG