Đường dẫn truy cập

Các doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc


Thủ tướng Nhật Yoshihide và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hà Nội hôm 19/10/2020. Phần lớn các công ty Nhật ở Việt Nam nói rằng họ muốn mở rộng sản xuất ở đây để giàm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Yoshihide và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hà Nội hôm 19/10/2020. Phần lớn các công ty Nhật ở Việt Nam nói rằng họ muốn mở rộng sản xuất ở đây để giàm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động của họ ở đây, theo một khảo sát mới được Kyodo News trích dẫn, cho thấy dấu hiệu về sự dịch chuyển của các công ty Nhật theo hướng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một cơ sở sản xuất trong chiến lược được biết tới là “Trung Quốc + 1”.

Khảo sát được thực hiện qua mạng của hãng Pasona Group Inc của Nhật vào tháng 12 vừa qua cho thấy 57% các công ty Nhật Bản ở Việt Nam nói rằng họ sẽ mở rộng hoạt động ở nước sở tại, so với mức trung bình 39% của tất cả 11 quốc gia và vùng lãnh thổ được thăm dò ý kiến. Ấn Độ đứng thứ 2 với tỷ lệ 55% và Thái Lan đứng thứ 3 với 50%, theo thăm dò được hãng tin Kyodo News trích dẫn.

Với chiến lược “Trung Quốc + 1”, khoảng 43% các công ty Nhật tham gia thăm dò cho biết họ đã mở rộng văn phòng hoặc đã lên kế hoạch thực hiện việc mở rộng ở Việt Nam, theo hãng tin Nhật Bản.

Chiến lược “Trung Quốc + 1” được Chính phủ Nhật bắt đầu thực hiện từ cách đây hơn 1 thập kỷ để tránh rủi ro trong kinh doanh và theo VNEconomy, các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia chính sách này quyết định chọn Việt Nam là điểm đến.

Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố năm ngoái cũng cho thấy xu hướng tương tự.

Khảo sát của JETRO được Bộ Công Thương Việt Nam trích dẫn cho thấy có tới 1.400 trong số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản nói họ đang xem xét mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Báo cáo của JETRO cho biết lý do các công ty Nhật Bản thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực là do cuộc đối đầu về thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Bộ Công thương, Trưởng đại diện JETRO ở Hà Nội, Takeo Nakajima, cho biết rằng Việt Nam “đang rất được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.”

Trong lần làm việc với Bộ Công thương vào tháng 2 vừa qua, ông Nakajima nói rằng trong bối cảnh đại dịch nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá cao triển vọng kinh doanh và lợi thế thị trường tại Việt Nam.

Hàng chục các công ty Nhật hiện có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cũng đang muốn chuyển sang Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật Bản sang ASEAN.

Đại sứ Nhật tại Việt Nam, Yamada Takio, hồi tháng 12 năm ngoái cho biết rằng có đến 37 doanh nghiệp Nhật Bản công bố muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam, theo VnExpress. Đại sứ Takio cho biết rằng Việt Nam đứng đầu các địa điểm khi doanh nghiệp Nhật thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng.

Theo vị đại sứ này, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật chống COVID-19, Việt Nam đã khống chế dịch thành công và là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong năm 2020 và do đó đã tăng sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 12 năm ngoái nói rằng Việt Nam sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản khi Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Kitaoka Sinichi cho biết rằng Nhật đang xây dựng lại chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những địa điểm lý tưởng của việc này, theo VGP News.

Không chỉ riêng Nhật, các công ty Mỹ cũng được cho là đang dịch chuyển dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ việc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như việc chính phủ Mỹ thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng sau khi nhận ra sự phụ thuộc ‘nguy hiểm’ vào cung ứng từ Trung Quốc qua sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch virus corona.

VOA Express

XS
SM
MD
LG