Đường dẫn truy cập

Nhà thờ Cơ Đốc Giáo bị đốt phá trong vụ rối loạn ở Ai Cập


Tín đồ Cơ Đốc giáo Coptic chạy vào nhà thờ ở Cairo khi cảnh sát bắn hơi cay trong vụ xô xát với người Hồi giáo ở Cairo hồi đầu tháng 4
Tín đồ Cơ Đốc giáo Coptic chạy vào nhà thờ ở Cairo khi cảnh sát bắn hơi cay trong vụ xô xát với người Hồi giáo ở Cairo hồi đầu tháng 4
Các nhà thờ trên khắp Ai Cập đã bị đốt phá trong vụ rối loạn mới đây. Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và phong trào Huynh đệ Hồi Giáo bị cho là thủ phạm của những vụ đốt phá, nhưng phong trào này nói rằng họ không dính líu gì tới những vụ tấn công người Cơ Đốc giáo.

Những người theo Cơ Đốc Giáo chiếm khoảng 10% trong số 83 triệu dân của Ai Cập. Nhóm thiểu số này đã cảm thấy lo ngại khi vị tổng thống đầu tiên được dân chúng bầu lên một cách dân chủ và Đảng Huynh đệ Hồi Giáo cầm quyền bắt đầu thiết lập nền tảng cho một quốc gia Hồi Giáo.

Sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ vào ngày 3 tháng 7, nhiều nhà thờ và tu viện tại Ai Cập đã bị tấn công, cướp phá và xúc phạm. Những người ủng hộ Huynh đệ Hồi Giáo được xem như là nghi can chính.

Ông Magdy Emad, một Cơ Đốc nhân Ai Cập thuộc phái Coptic nói:

“Tình hình hiện tại cho thấy có sự gia tăng nghiêm trọng của những cuộc tấn công nhắm vào tất cả các giáo hội, những người theo Cơ đốc giáo và các định chế nhà nước. Tôi thực sự không hiểu Huynh đệ Hồi Giáo đang làm gì. Chúng tôi thực tình muốn giao tiếp với họ để xây dựng đất nước này và hòa giải với nhau để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng tất cả những nỗ lực của chúng tôi đã không mang lại kết quả nào.”

Đảng Huynh đệ Hồi Giáo tuần trước đưa ra một tuyên bố phủ nhận trách nhiệm đối với những vụ tấn công và nói rằng cuộc vận động họ nhằm đưa ông Morsi trở lại nắm quyền có tính cách ôn hòa.

Ông Adel Hakim Shirani, một tín đồ Coptic, cho biết ông tin rằng hầu hết những người Ai Cập đều muốn hòa bình:

“Có những người đang tìm cách gây chia rẽ, họ muốn người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo xung đột lẫn nhau, vì họ đốt nhà thờ. Họ là những người bạo động, rất bạo động, họ có vũ khí. Và nếu thông điệp này đến với bất cứ ai, đến bất cứ nơi nào trên thế giới, thì thông điệp này phải được phổ biến trên toàn thế giới: chúng tôi là một quốc gia hòa bình, chúng tôi không phải là một quốc gia giết người. Chúng tôi là một quốc gia hòa bình, mọi người thương yêu nhau.”

Hoa Kỳ và các nước khác đã thúc giục quân đội Ai Cập tự chế và làm việc một cách nhanh chóng để thành lập một chính phủ dân chủ trong đó tất cả các cộng đồng khác nhau trong nước đều có tiếng nói.

Bà Sylvia Luiskander, một tín đồ Cơ đốc giáo, phát biểu như sau:

“Tôi không sợ có quan điểm hay tín ngưỡng khác nhau. Mỗi người đều có niềm tin của riêng mình. Nhưng hãy bày tỏ ý kiến đó lúc nào bạn muốn, nói ra những gì bạn muốn nói.
Hãy đứng trước mặt tôi và thuyết phục tôi về những ý kiến của bạn. Nhưng đừng tấn công tôi. Như vậy là không văn minh. Người văn minh không tấn công. Văn minh là suy nghĩ và thay đổi.”

Ngày hôm qua, người đứng đầu quân đội Ai Cập, Tướng Abdel-Fatah el-Sissi tuyên bố quân đội sẽ không dung thứ những vụ bạo động chính trị. Tuy nhiên ông nói quân đội không có ý định nắm quyền và phe Hồi Giáo phải được đại diện trong chính phủ mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG