Đường dẫn truy cập

Nhà văn Bắc Triều Tiên liều chết xuất bản sách


Binh sĩ Bắc Triều Tiên canh gác gần làn đình chiến Bản Môn Điếm.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên canh gác gần làn đình chiến Bản Môn Điếm.

“Những tác phẩm của tôi không phải viết bằng tài năng mà bằng sự phẫn nộ chính đáng, không phải bằng bút mực mà bằng nước mắt và xương máu.”

Đó là lời dẫn của tác phẩm The Accusation (Lời tố cáo) của Bandi.

Điều tách rời Bandi ra khỏi những người thẳng thắn chỉ trích chế độ Kim Jong Un là ông này vẫn còn sống bên trong Bắc Triều Tiên.

Bandi không phải là tên thật của ông. Do Hee-youn, một nhà hoạt động thuộc Liên minh Nhân quyền của những người bị bắt cóc và người Bắc Triều Tiên cho biết chỉ có ông và 2 người Nam Triều Tiên khác biết lại lịch thật của tác giả. Tổ chức của ông và các nhóm phản kháng khác đã là công cụ giúp cho ông Bandi đưa lén các bài viết vào Nam Triều Tiên và cho xuất bản.

Bandi là ai?

Tuy nhiên, ông Do có cung cung cấp một số chi tiết về nguồn gốc của ông Bandi mà ông thú nhận là có thể tiết lộ lai lịch của ông và gây nguy cơ cho tính mạng của ông.

Ông Do nói, “Điều chúng tôi cảm thấy khi nhận các tác phẩm qua gia đình của người viết là nhà văn này muốn thế giới biết đến tác phẩm của mình, cho dù ông ta có phải chết.”

Ông Do nói ông Bandi sinh năm 1950 và hiện thuộc về Ban chấp hành của Liên minh các nhà văn Joseon, một tổ chức văn học chính của Bắc Triều Tiên. Và ông là một nhà văn nổi tiếng của một số tạp chỉ bị chính thức cấm chỉ.

Tuy nhiên, qua nhiều năm ông Do nói ông Bandi đã trở nên ngày càng bất mãn với vai trò của ông trong việc tuyên truyền tôn thờ chế độ Kim và mô tả Bắc Triều Tiên là một chế độ lý tưởng trong khi trên thực tế sự đàn áp và tình trạng đói khổ tràn lan.

Ông Chang Hae-sung là một phóng viên của Ủy ban Truyền hình Trung ương Bắc Triều Tiên trước khi trốn qua miền nam vào năm 1996. Ông hiện thuộc tổ chức Pen Quốc tế các nhà văn Bắc Triều Tiên Lưu Vong, một nhóm bênh vực cho quyền tự do phát biểu trong văn chương.

Ông Chang nói nhiều nhà văn Bắc Triều Tiên bí mật chia sẻ sự bất mãn của ông Bandi về những hạn chế mà họ bị áp đặt nhưng không dám công khai lên tiếng chỉ trích. Ông nhắc lại hậu quả mà một nhà văn đã hứng chịu sau khi đưa ra một lời bình vô hại trong một cuộc tụ họp không chính thức ở một quán rượu tại Bình Nhưỡng.

Ông Chang cho biết ông này đã nói, “Khi nào thì tôi có thể viết những tác phẩm mà tôi muốn viết?” Chỉ vì một câu nói này mà ông đã bị tống vào trại tù hình sự 15 ở Yoduk, và đã tự vẫn ở đó.”

'Lời tố cáo'

Trong 2 thập niên vừa qua, Bandi được cho là đã bí mật viết những câu chuyện bình phẩm và mỉa mai mô tả cách thức các gia đình Bắc Triều Tiên chống chọi và chịu đựng điều mà ông coi là chế độ cộng sản áp bức, hỗn loạn và vô lý.

Vì các nghĩa vụ đối với gia đình và các hạn chế khác, ông Bandi rõ ràng đã không thể tìm cách thực hiện hành trình vượt biên nguy hiểm qua Trung Quốc để chạy trốn. Nhưng một người thân trẻ tuổi hơn đã đào tỵ qua Nam Triều Tiên đã giúp đưa các bản thảo của ông ra ngoài.

Cuốn sách của ông Bandi, có tựa là “Lời Tố cáo” là một tuyển tập 7 truyện ngắn. Trong đó có “Thành phố Ma” nói về một gia đình bị đuổi ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng vì đưa trẻ bị tỏ ý ngạc nhiên khi nhìn thấy chân dung ông Kim Sung Il, lãnh tụ đầu tiên của nước này được coi là một hình tượng giống như thượng đế.

“Khoảng cách dài” là một câu chuyện về một người con trai không thể đi thăm người mẹ sắp chết vì những hạn chế đi lại.

Nhưng chính trong truyện có tựa là “Cây nấm đỏ” ông Bandi mới trực tiếp chống đối chế độ của gia đình Kim khi viết một câu chuyện giả tưởng về một cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Bắc Triều Tiên.

Đài KBS của Nam Triều Tiên đã thực hiện một loạt chương trình phát thanh dựa trên cuốn truyện “Lời Tố cáo.” Một tập có chuyện khôi hài về một bài hát xẩm của người ăn xin chế giễu chế độ Kim.

Một nhân vật đóng vai Bandi trong chuyển thể phát thanh hát rằng, “Đảng reo hò kiêu hãnh như những con heo. Chính phủ thì tham lam thu nhặt.”

Các nhà hoạt động Triều Tiên đang tìm cách phổ biến các bản sao của cuốn sách một cách bí mật vào Bắc Triều Tiên.

Nhà hoạt động nhân quyền Do cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã góp phần tài trợ để giúp xuất bản cuốn sách.

Ông so sánh Bandi với Alexander Solzhenitsyn, tiểu thuyết gia Nga và là người thẳng thắn chỉ trích Liên bang Sô viết, đã giúp cả thế giới biết đến hệ thống trại lao cải cưỡng bách Gulag. Ông Solzhenitsyn đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1970.

Ông Do và các nhà hoạt động khác của Triều Tiên tán thành việc đề cử ông Bandi cho một giải Nobel.

Ông Do nói ông đã không liên lạc với ông Bandi từ nhiều tháng nay và đang lo ngại rằng nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên có thể đã phát hiện ra ông và bỏ tù ông hay có thể còn tệ hơn nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG