Đường dẫn truy cập

Nhiều người Việt lên án Putin đe dọa hạt nhân; khen các nước giúp Ukraine


Một số người Việt đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ, 28/2/2022.
Một số người Việt đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ, 28/2/2022.

Nhiều người Việt Nam nói với VOA hoặc bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ phản đối hay cảm thấy “ghê tởm” về việc Tổng thống Nga có động thái răn đe khi đặt lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao.

Cùng lúc, nhiều người Việt cũng thể hiện sự ủng hộ về việc nhiều nước trợ giúp to lớn cho Ukraine, bao gồm cho phép công dân của họ đến chiến đấu cùng người Ukraine.

Như VOA đã đưa tin, Tổng thống Putin của Nga hôm 27/2 ra tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân nước này trong tình trạng báo động cao, giữa lúc cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đang diễn ra ác liệt với nhiều thiệt hại cho cả hai bên nhưng Nga chưa đạt được thắng lợi đáng kể nào.

Mỹ và NATO trong cùng ngày đã chỉ trích động thái của ông Putin, gọi đó là bước đi “tạo ra đe dọa”, “nguy hiểm”, “vô trách nhiệm”.

Nói với VOA hôm 28/2, ông Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo kỳ cựu và cũng là một nhà đấu tranh vì tiến bộ xã hội có tiếng, nhấn mạnh:

“Tôi hoàn toàn phản đối việc đưa vũ khí hạt nhân vào chiến tranh. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều lên án hành động của ông Putin, dù chỉ là đe dọa”.

Cho VOA biết ông thấy “kinh ngạc” về lời đe dọa của Tổng thống Putin, giáo sư Mạc Văn Trang, một tiếng nói phản biện nổi tiếng ở Việt Nam, khẳng định:

“Tất nhiên là phải lên án rồi. Không thể dùng vũ khí hạt nhân mà đe dọa thế giới như thế được. Như thế rất là khùng điên”.

Một nhà hoạt động nổi danh khác, ông Nguyễn Lân Thắng, đưa ra quan điểm với VOA:

“Đương nhiên việc sử dụng vũ khí hạt nhân là việc mà thế giới văn minh hiện nay không thể chấp nhận được. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là lời đe dọa thôi và không trở thành hiện thực được”.

Theo quan sát của VOA, ba tiếng nói kể trên chỉ là một số ví dụ điển hình trong số rất nhiều người Việt lên tiếng phản đối, chỉ trích trên mạng xã hội về việc tổng thống của Nga đặt lực lượng hạt nhân nước này vào trạng thái báo động cao. Không ít người nói trong các trang cá nhân của mình rằng họ thấy “ghê sợ”, “ghê tởm” về động thái của nhà lãnh đạo Nga.

Ông Nguyễn Lân Thắng đưa ra phân tích rằng lời đe dọa của Tổng thống Putin “thể hiện bước đường cùng” khi mà đội quân xâm lược Nga đang bị Ukraine đánh trả quyết liệt, làm phía Nga bị thiệt hại nhiều và sa lầy, đồng thời làm cho ông Putin “thấy bế tắc”.

Trong những ngày này, báo chí nước ngoài dẫn lại thông tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng quân của họ đã tiêu diệt hàng nghìn binh lính và hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và máy bay của phía Nga. Tuy nhiên các hãng tin cũng lưu ý rằng các tin này chưa thể kiểm chứng độc lập được.

Về phần mình, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng ông Putin “bị bất ngờ” cả về chuyện ý đồ chiến lược của ông ta “bị bẻ gãy” lẫn về các phản ứng từ Mỹ, NATO và các nước EU, nên ông ta “phải đưa ra con bài tẩy cuối cùng để dọa mọi người”.

Hai ông Mạc Văn Trang và Huỳnh Ngọc Chênh nói thêm rằng động thái của ông Putin hết sức nguy hiểm, vì khi một nhà lãnh đạo độc đoán ở vào trạng thái “tâm thần bất định” hay “hoang tưởng”, không ai có thể lường trước được điều gì.

Mặc dù vậy, ông Chênh nói ông mong là nhân dân Nga sẽ “không đồng ý” và “không cho phép” ông Putin có hành động gì liều lĩnh. Theo ông Chênh, lý do là nhân dân Nga biết rằng NATO sẽ có sự đáp trả dữ dội và chính người dân Nga sẽ phải “lãnh đủ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lân Thắng tin rằng Tổng thống Putin “không dám sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông Thắng nói thêm với VOA:

“Thực sự nếu như ông Putin sờ đến nút bấm hạt nhân thì tôi nghi rằng những người xung quanh ông ta sẽ tiêu diệt ông ta trước vì đó sẽ là một thảm họa cho nước Nga cũng như cho toàn thế giới”.

Một số đại sứ, trưởng phái đoàn ngoại giao ở Việt Nam thăm Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, 28/2/2022.
Một số đại sứ, trưởng phái đoàn ngoại giao ở Việt Nam thăm Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, 28/2/2022.

Trong những ngày này, Mỹ và nhiều nước châu Âu, châu Á công bố nhiều hoạt động trợ giúp cho Ukraine, đặt biệt về hàng quân sự. Bên cạnh đó, một số nước như Anh, Latvia, Thụy Điển và những nước khác đồng ý cho công dân nước họ được chiến đấu cho Ukraine.

Trên mạng xã hội, bao gồm cả trong trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, một số người Việt cũng bày tỏ họ sẵn sàng lên đường sang Ukraine để chiến đấu cho đất nước này. Về diễn biến này, giáo sư Mạc Văn Trang bình luận:

“Rất khâm phục, rất hoan nghênh, rất đồng tình, rất ủng hộ”.

Vẫn giáo sư Trang nói thêm:

“Bất kỳ cuộc chiến tranh chính nghĩa nào cũng cần được những người có lương tri trên thế giới ủng hộ. Người ta hiến máu, người ta ủng hộ về vật chất, tài chính, và nếu cần người ta có thể tham gia chiến đấu”.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng việc có những người Việt sẵn sàng chiến đấu cho Ukraine là điều có ý nghĩa sâu xa:

“Đó là dấu hiệu cho thấy là trong xã hội Việt Nam còn có rất nhiều người hiểu được chính nghĩa của người dân Ukraine, mặc cho sự tuyên truyền, mặc cho sự đánh lận con đen trong việc thông tin về vấn đề Ukraine ở Việt Nam rất là hỗn loạn”.

Như VOA đã đưa tin, một số cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam gồm đài VTV, báo Quân Đội Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, v.v… gần đây đăng các tin, bài theo hướng biện hộ cho “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga. Ngoài ra, cũng có một số nhóm trên mạng xã hội của nhiều người Việt du học hoặc sinh sống ở Nga thường xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Putin và cuộc chiến do ông tiến hành.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng ông mong những người đó phân biệt nước Nga với ông Putin, và rằng người Việt chân chính, có lý trí “không thể ủng hộ một kẻ độc tài xâm chiếm một nước độc lập, có chủ quyền”.

Ông Chênh nói thêm rằng những người ủng hộ ông Putin nên suy nghĩ cẩn trọng vì “sau này nếu Trung Quốc đánh Đài Loan, chiếm Biển Đông, tấn công Việt Nam, thì sẽ giải thích thế nào khi đã từng ủng hộ tay độc tài Putin đánh Ukraine”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG