Đường dẫn truy cập

Nhiều nhà hàng Việt ở Mỹ tặng phần ăn miễn phí dù thất thu vì đại dịch


Nhân viên của nhà hàng Kim Sơn bên cạnh những phần ăn chuẩn bị giao cho Bệnh viện Lyndon B. Johnson ở thành phố Houston, bang Texas.
Nhân viên của nhà hàng Kim Sơn bên cạnh những phần ăn chuẩn bị giao cho Bệnh viện Lyndon B. Johnson ở thành phố Houston, bang Texas.

Nhiều nhà hàng và quán ăn do người Việt làm chủ khắp nước Mỹ đang tặng những phần ăn miễn phí hoặc giảm giá trong mùa dịch COVID-19 cho dù đang bị lỗ lã vì các biện pháp giãn cách xã hội ngừa dịch bệnh lây lan.

Nghĩa cử này là một phần trong những nỗ lực của cộng đồng người Việt suốt những tháng qua nhằm tiếp sức cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống chọi với dịch bệnh và những người có nguy cơ cao cần sự giúp đỡ.

Các đoàn thể người Việt ở nhiều bang đã và đang tiến hành nhiều chiến dịch vận động quyên góp tài chính để mua vật phẩm y tế trong khi nhiều cá nhân bỏ thời gian và công sức để may khẩu trang và sản xuất những tấm nhựa che mặt để tặng cho các bệnh viện và viện dưỡng lão địa phương.

Tinh thần thiện nguyện lên cao đặc biệt trong lúc tình trạng thiếu hụt vật phẩm trở nên nghiêm trọng và số lượng bệnh nhân quá tải trong các bệnh viện, gây sức ép lên đội ngũ y tế.

Ông La Minh Trí ở bang Texas nghĩ mình cần phải làm một việc gì đó để tỏ lòng tri ân những chiến sĩ thầm lặng đang gồng mình chống dịch.

Đồng sở hữu chuỗi nhà hàng Kim Sơn, một trong những nhà hàng Việt Nam lớn nhất ở thành phố Houston, ông cùng gia đình quyết định miễn phí cho các nhân viên y tế tới tối đa 25 đôla bất cứ khi nào họ đến ăn tại nhà hàng trong hai tuần hồi tháng 3.

“Số tiền [được miễn phí] ở hai tiệm trong hai tuần cũng khoảng hai mươi mấy, ba chục ngàn đôla,” ông nói.

Đó là khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nhà chức trách địa phương đã có hiệu lực và các nhà hàng và quán ăn chỉ được phép phục vụ khách đến mua đem đi chứ không ngồi ăn tại chỗ, khiến ông mất đi một phần lớn thu nhập.

Dù vậy, ông nói rằng nghĩa cử của ông đối với các nhân viên y tế “không to tát gì lắm” bởi vì ông cảm phục sự hi sinh của họ để giữ cho tất cả mọi người được an toàn và khỏe mạnh.

“Mình còn may mắn hơn họ vì họ chấp nhận xa gia đình con cái để đi cứu những người khác,” ông nói. “Bản thân mình chưa chắc gì đã làm được những chuyện đó. Thôi thì mình làm cái gì đó nho nhỏ để cảm tạ những người đó.”

Ông Trí cho biết đại dịch COVID-19 khiến ông gần như lâm vào “khủng hoảng” vì tác động kinh tế nặng nề của nó. Doanh thu ở các nhà hàng sụt giảm gần 50 phần trăm, ông nói, trong khi một số nhân viên và khách hàng vẫn chưa quay trở lại dù nhà chức trách đã cho phép mở cửa lại một phần. Rồi giá cả leo thang khiến thức ăn cũng trở nên đắt hơn.

Trong những tuần tới, ông Trí nói nhà hàng của ông sẽ phải nghĩ ra những biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt hơn ngoài những quy định của nhà chức trách để thu hút khách trở lại, phần lớn là người Việt vốn có thái độ dè dặt hơn nhiều so với khách người Mỹ, theo lời ông.

Những phần ăn được chuẩn bị tại nhà hàng Pho Luca's ở thành phố Richmond, bang Virginia.
Những phần ăn được chuẩn bị tại nhà hàng Pho Luca's ở thành phố Richmond, bang Virginia.

Tại thành phố Richmond ở bang Virginia, nhà hàng Pho Luca’s của ông Phạm Ngọc Hoàn trở thành điểm đến ưa thích của nhiều thực khách người Mỹ kể từ khi mở cửa vào tháng 12 năm ngoái. Hoạt động kinh doanh đang suôn sẻ thì dịch virus corona bùng phát và không lâu sau đó, mọi thứ gần như đình trệ vì lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội.

Dù khó khăn kinh tế chồng chất, ông nhận lời ngay khi được một nhóm người Việt địa phương liên lạc vào cuối tháng 4 để tìm kiếm sự hỗ trợ cho nỗ lực thiện nguyện của họ, bằng cách cung cấp những phần ăn giảm giá cho các cựu quân nhân vô gia cư trong thành phố.

Ông Hoàn cho biết đến nay ông đã đóng góp khoảng 110 phần ăn chia ra thành hai đợt, đợt gần nhất cách đây hai tuần, dành tặng cho các nhân viên y tế của Bệnh viện St Mary, một bệnh viện phi lợi nhuận ở Richmond.

“Ở đây là Carytown, trung tâm du lịch, nên giá trung bình một phần ăn là 12 tới 13 đôla,” ông nói. “Nhưng mà khi làm cho bên cộng đồng thì mình chỉ lấy bảy đồng rưỡi, coi như một nửa, để bù vô tiền thực phẩm với tiền điện nước thôi chứ hoàn toàn không lấy tiền lời.”

Ông Hoàn, rời Việt Nam năm 1975 như một người tị nạn, nói sự đóng góp của ông như một lời tri ân đối với những người dân Mỹ đã “mở vòng tay” chào đón ông giữa lúc khốn khó. “45 năm ở Mỹ thì bây giờ cũng là lúc để mình đóng góp lại,” ông giải thích.

Chủ nhà hàng phở và đồ ăn Việt Nam cho biết doanh số đã giảm 75% so với trước khi dịch bùng phát. Tất cả các nhân viên đều đã được cho nghỉ việc tạm thời nên hai vợ chồng ông đang chật vật xoay sở để duy trì hoạt động của nhà hàng.

Nhưng ông nói điều đáng mừng là thu nhập của nhà hàng vẫn đủ nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của khách đến mua đem đi trong khoảng thời gian phong tỏa, nhiều người trong số họ để lại những khoản tiền tip hậu hĩnh.

Điều này càng củng cố đức tin của ông, một tín đồ Công giáo từng tu Dòng Đa Minh.

“Mình cho ra như thế nào thì mình nhận lại như vậy, thì thôi bây giờ mình cứ cho ra đi, mình cứ giúp đỡ nhau đi thì mọi chuyện sẽ tốt,” ông đúc kết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG