Đường dẫn truy cập

Nhiều tỉnh, huyện xây tượng đài hàng tỉ đồng giữa đại dịch, gây bất bình


Quảng trường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình, khánh thành tháng 6/2020
Quảng trường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình, khánh thành tháng 6/2020

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vừa công bố dự án quảng trường có tượng đài cố chủ tịch Hồ Chí Minh, với kinh phí hơn 350 tỉ đồng. Dù sẽ xây trong năm 2021, song giữa lúc Việt Nam có đại dịch Covid-19, việc công bố dự án đang gây ra phản cảm, bất bình.

Tương tự như vậy là một loạt dự án tượng đài ở các tỉnh, các huyện khác tốn kém ít nhất gần chục tỉ đồng trở lên được công bố trong vài tuần trở lại đây, trùng thời điểm dịch Covid-19 không chỉ lây lan và giết chết ít nhất 16 người, mà còn làm đình trệ kinh tế, hàng chục triệu người mất việc hoặc giảm thu nhập.

Bên cạnh dự án hơn 353 tỉ mới công bố ở Phú Quốc, chỉ điểm sơ qua một vài dự án được đưa lên báo chí Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy danh sách dưới đây.

... trong dịch Covid-19, đến các bệnh viện còn thiếu trang thiết bị. Rồi người dân với đại dịch Covid này phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ... rất nhiều doanh nghiệp phá sản và đóng cửa. Vậy thì lại lấy tiền đóng thuế của dân để xây những tượng đài, quảng trường không cần thiết vào lúc này là việc tôi phản đối.
Doanh nhân Lê Hoài Anh


Quảng Bình khánh thành quảng trường Hồ Chí Minh bao gồm tượng đài cùng tên vào giữa tháng 6, có tổng số vốn đầu tư 120 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 8 đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Huyện Yên Định báo cáo với tỉnh Thanh Hóa việc xây tượng đài Bà Triệu từ năm 2020 đến 2023, kinh phí 20 tỉ đồng, dù huyện này bị tố cáo là “đang nợ” 50 tỉ đồng của các cán bộ và cựu cán bộ huyện, cũng như của một số người dân.

Phước Sơn, một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam, đang xây tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, kinh phí 14 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 này.

Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Bình Định “dự kiến hoàn thành trong tháng 7” với kinh phí 48 tỉ đồng.

Tỉnh Hậu Giang sẽ khởi công tượng đài Chiến thắng Chày Đạp vào tháng 10 tới ở huyện Phụng Hiệp, kinh phí hơn 7 tỉ đồng.

Tỉnh Bến Tre nâng cấp tượng đài Đồng khởi Bến Tre, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tuy chính quyền không công bố con số kinh phí, nhưng những người am hiểu xây dựng ước tính sẽ không dưới 10 tỉ đồng.

Một bài viết hồi tháng 1 năm nay trên trang web của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trên toàn Việt Nam có 400 tượng đài do các cấp trung ương, tỉnh và huyện đầu tư, quản lý.

Bài viết cho rằng nếu chia số tượng đài đó cho 63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6,3 tượng đài.

“Tỷ lệ này có thể nói là ít so với nhu cầu của các địa phương. Đặc biệt là hiện nay rất thiếu những tượng ngoài trời quy mô nhỏ về những nội dung văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa tinh thần ở các khu đô thị, khu dân cư, vườn hoa, công viên v.v…”, bài viết đưa ra nhận xét.

Một tượng đài ở tỉnh Bình Định. Việt Nam hiện có 400 tượng đài trên cả nước.
Một tượng đài ở tỉnh Bình Định. Việt Nam hiện có 400 tượng đài trên cả nước.

Theo quan sát của VOA, những ngày này, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về những công trình tượng đài kể trên, ngoài ra họ cũng thể hiện thái độ bất bình về việc nhiều địa phương xây cổng chào, bị cho là “rất tốn kém song không có tác dụng gì”.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh có nhiều ảnh hưởng trên Facebook bình luận về vấn đề này với VOA:

"Đó là những công trình, những việc làm hết sức là phản cảm, khi mà trong dịch Covid-19, đến các bệnh viện còn thiếu trang thiết bị. Rồi người dân với đại dịch Covid này phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhiều việc làm bị mất, rất nhiều thu nhập của người dân bị giảm, rất nhiều doanh nghiệp phá sản và đóng cửa. Vậy thì lại lấy tiền đóng thuế của dân để xây những tượng đài, quảng trường không cần thiết vào lúc này là việc tôi phản đối”.

Hôm 10/7, Tổng cục Thống kê của Việt Nam nói tính đến tháng 6, cả nước có gần 31 triệu người lao động bị "ảnh hưởng tiêu cực" bởi dịch Covid-19, trong đó là gần 900.000 người thất nghiệp. Con số có thể còn tăng thêm vào cuối năm, Tổng cục cảnh báo.

Nữ doanh nhân có gần 330 nghìn người theo dõi trên Facebook nhấn mạnh rằng những công trình đó “lãng phí tiền đóng thuế của người dân”, chưa kể đến chất lượng kém của một vài công trình trong số đó càng gây bất bình.

Cùng với nhiều người, bà Lê Hoài Anh đặt nghi vấn rằng những người có thẩm quyền ở các địa phương thực hiện các dự án xây tượng đài là để tham nhũng, tư túi.

... tham nhũng để xây được bệnh viện, trường học, nó cũng còn có ích cho người dân chút xíu nào đó hơn. Thực ra đó cũng một ý kiến tuy là nó hơi tiêu cực, nhưng thực sự ra, có lẽ trong thời buổi này, tôi nghĩ cũng còn hơn là xây những quảng trường.
Bà Lê Hoài Anh


Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Việt Nam đứng thứ 96 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.

Một số ý kiến được chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng các quan chức Việt Nam khi dùng tiền thuế của dân để xây bất cứ công trình gì đều có “chia chác, ăn phần trăm”, vì vậy, một số người dân kêu gọi các quan chức “làm ơn” xây trạm y tế, cầu, đường… và “đừng” xây tượng đài, cổng chào nữa.

Đưa ra quan điểm về luồng dư luận này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA:

“Thôi thì đằng nào cũng tham nhũng, thì tham nhũng để xây được bệnh viện, trường học, nó cũng còn có ích cho người dân chút xíu nào đó hơn. Thực ra đó cũng một ý kiến tuy là nó hơi tiêu cực, nhưng thực sự ra, có lẽ trong thời buổi này, tôi nghĩ cũng còn hơn là xây những quảng trường”.

Bà Hoài Anh bổ sung rằng bà chỉ tán thành giải pháp tình thế này trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Song về nguyên tắc, bà vẫn quyết liệt chống lại tham nhũng, vì trong suy nghĩ của bà, tệ nạn này là nguyên nhân làm cho Việt Nam không phát triển được.

VOA Express

XS
SM
MD
LG