Đường dẫn truy cập

Nikkei: Việt Nam trong số 15 nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID


Khách du lịch đến Phú Quốc khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch vào cuối năm 2021. Việt Nam được Nikkei Asia đánh giá trong nhóm có khả năng phục hồi tốt để thoát khỏi COVID-19.
Khách du lịch đến Phú Quốc khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch vào cuối năm 2021. Việt Nam được Nikkei Asia đánh giá trong nhóm có khả năng phục hồi tốt để thoát khỏi COVID-19.

Việt Nam đạt được thành tích tốt nhất trên trên Bảng Chỉ số Phục hồi từ COVID-19 của Nikkei, nhảy qua hàng chục bậc để lọt vào nhóm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự phục hồi nhanh chóng để thoát khỏi đại dịch, với việc dỡ bỏ các hạn chế trong lúc vẫn khống chế được tỷ lệ lây nhiễm thấp.

Chỉ số được Nikkei Asia công bố hôm 3/6 đánh giá những thành tích đạt được của các nước trong việc đối phó và quản lý sự lây nhiễm cũng như việc triển khai tiêm phòng và mức độ hạn chế di chuyển xã hội.

Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trong số 121 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bản xếp hạng, với sự cải thiện lớn nhất là điểm số về mức độ nghiêm ngặt sau khi quốc gia Đông Nam Á này cho phép học sinh trở lại trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hủy bỏ tất cả các yêu cầu về xét nghiệm, tiêm chủng và kiểm dịch cho du khách nước ngoài khi tới đây.

Với hơn 80% người dân được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm mũi tăng cường, Việt Nam ghi được 27 trên 30 điểm về khả năng tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các vaccine được dùng để tiêm chủng ở Việt Nam tính đến ngày 8/5, có tới gần 50% là vaccine theo công nghệ mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, trong khi 28% là vaccine của AstraZeneca và 23% là vaccine của Trung Quốc.

Mỹ là quốc gia cung cấp lượng vaccine lớn nhất cho Việt Nam, khoảng 40 triệu liều, chủ yếu là Pfizer. Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã có đủ vaccine để tiêm mũi thứ 3 và thứ 4 cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Việc lọt vào nhóm 15 nước có chỉ số phục hồi hàng đầu là thành tích cao nhất mà Việt Nam đạt được trên bảng chỉ số được đưa ra hàng tháng của Nikkei.

Vào tháng 8 năm ngoái, Việt Nam bị xếp cuối bảng về khả năng phục hồi sau vài tháng đối phó với đợt bùng phát lây nhiễm tồi tệ nhất trong đại dịch và áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch cùng hạn chế đi lại một cách gắt gao. Thủ đô Hà Nội lúc đó bị truyền thông quốc tế gọi là “nhà tù lộ thiên” và Việt Nam bị coi là hiện thân của khu vực Đông Nam Á về việc “tự mãn” trong đối phó với đại dịch sau những thành công ban đầu được quốc tế ca ngợi.

Tuy nhiên, Việt Nam đã thay đổi các thức đối phó với đại dịch sau một thời gian áp dụng việc cách ly tập trung không hiệu quả và hạn chế di chuyển không cần thiết, và tiến hành tiêm chủng “thần tốc” trên cả nước nhờ lượng vaccine dồi dào từ các chuyến “ngoại giao vaccine” của các lãnh đạo Đảng Cộng sản tới Mỹ và châu Âu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 4/6 nói rằng Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và cũng ra lệnh đẩy mạnh thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID, theo Pháp Luật Online. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát và hoàn thiện các chính sách liên quan đến chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam thu hút sự chú ý của nước ngoài khi mở cửa hoàn toàn và chuyển sang sống an toàn với đại dịch bất chấp làn sóng Omicron trong năm nay. Tờ báo của Đức, Finanzmarktwelt vào tháng trước ca ngợi sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam với việc xuất khẩu các sản phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại di động, hàng dệt may và các sản phẩm từ gỗ.

Trong khi đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài lên kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Mới nhất là công ty Apple của Mỹ, khi hãng công nghệ khổng lồ này yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG