Một bộ phận trong chính giới và người dân Mỹ đang ngày càng lo ngại về sự vươn lên của Trung Quốc mà họ cho rằng một ngày nào đó sẽ đe dọa ưu thế toàn cầu của Mỹ về kinh tế-quân sự và kêu gọi phải có hành động quyết liệt để kiềm chế Trung Quốc trong khi các học giả cảnh báo rằng cách làm này sẽ khiến nước Mỹ bị tổn thương.
‘Ủy ban về Mối nguy Hiện tại’
“Trong một phòng khiêu vũ đối diện tòa nhà Quốc hội, một nhóm người có tư tưởng diều hâu quân sự, những người theo chủ nghĩa dân túy, những người đấu tranh cho tự do của người Hồi giáo ở Trung Quốc và các tín đồ Pháp Luân Công gặp nhau để cảnh báo mọi người rằng Trung Quốc đe dọa sự tồn tại của Hoa Kỳ và mối đe dọa này chỉ chấm dứt khi nào Đảng Cộng sản Trung Quốc bị lật đổ,” tờ New York Times miêu tả về tổ chức đang truyền bá thông điệp về nguy cơ từ Trung Quốc trong bài báo có tựa đề ‘Nỗi sợ Đỏ mới đang định hình Washington’.
Ra đời từ Chiến tranh Lạnh, Ủy ban về Mối nguy Hiện tại, một nhóm lâu nay không còn hoạt động đã vận động chống lại các hiểm họa của Liên Xô trong những năm 1970 và 1980. Gần đây, Ủy ban này đã được hồi sinh với sự giúp đỡ của ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Donald Trump, để cảnh báo về những hiểm họa của Trung Quốc.
Một thời bị coi là bài ngoại và là thành phần bên lề ở Mỹ, các thành viên của nhóm có quan điểm ngày càng được chấp nhận ở Washington dưới thời Tổng thống Trump. Nỗi sợ của Trung Quốc đã lan rộng khắp chính quyền, từ Nhà Trắng cho đến Quốc hội đến các cơ quan liên bang với sự trỗi dậy của Bắc Kinh được coi là mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia và thách thức định hình của thế kỷ 21, New York Times cho biết.
“Đây là hai hệ thống không tương thích với nhau,” ông Bannon được New York Times dẫn lời nói về Mỹ và Trung Quốc. “Một bên sẽ thắng, và bên kia sẽ thua.”
Ngoài việc áp thuế 25% đối với khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn hạn chế các loại công nghệ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, tìm cách chặn đứng một số công ty Trung Quốc, như hãng viễn thông khổng lồ Huawei, mua thiết bị của Mỹ. Washington cũng dựng lên rào cản đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã tăng cường nỗ lực chống gián điệp Trung Quốc, đặc biệt là tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các quan chức từ FBI và Hội đồng An ninh Quốc gia đã được phái đến các trường đại học hàng đầu để cảnh báo họ cảnh giác với sinh viên Trung Quốc mà họ cho rằng có thể thu thập bí mật công nghệ từ các phòng thí nghiệm của họ để chuyển đến cho Bắc Kinh.
Tình cảm bài Trung Quốc đã lan rộng nhanh chóng từ thành viên Cộng hòa và Dân chủ cho tới lãnh đạo các công đoàn. Kênh Fox News cảnh báo rằng những nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng sức mạnh quân sự và các ngành công nghiệp tân tiến đe dọa sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và rằng Mỹ nên phản ứng quyết liệt. Chủ nghĩa hoài nghi đã thấm vào gần như mọi khía cạnh trong sự tương tác của Trung Quốc với Mỹ, với các quan chức Mỹ đặt câu hỏi về sự hiện diện của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ, việc Trung Quốc xây dựng toa xe điện ngầm cho Mỹ và việc Trung Quốc mua các mạng xã hội của họ, theo New York Times.
Đối đầu thay vì hợp tác?
Tuy nhiên có ít sự đồng thuận về những gì mà Mỹ có thể làm. Mỹ đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để lôi kéo và thuyết phục Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, nhưng Đảng Cộng sản đã dần dần thắt chặt sự kìm kẹp đối với người dân và nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Mỹ hiện phải đối mặt với lựa chọn liệu có nên tiếp tục cách can dự vốn có thể khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa kinh tế và an ninh, hay là từ bỏ can dự với Trung Quốc vốn có thể làm suy yếu cả hai nền kinh tế và một ngày nào đó thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh, cũng theo tờ báo này.
Ngày càng có nhiều người ở Washington xem việc tách rời hai nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi – trong đó có nhiều thành viên của Ủy ban về Mối nguy Hiện tại. Tại một cuộc họp hồi tháng Tư, ông Stephen Bannon, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, và ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện đã ca ngợi cựu Tổng thống Ronald Reagan - một cựu thành viên của nhóm - và được cả hội trường đứng dậy hoan hô khi họ kêu gọi cảnh giác với Trung Quốc. Họ ca ngợi chiến thắng của ông Reagan trước Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và học thuyết của ông về ‘hòa bình thông qua sức mạnh’, nhưng họ cũng đem lại cảm giác chiến tranh xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Ủy ban này đạt được đỉnh cao về ảnh hưởng dưới chính quyền Ronald Reagan, khi mà hàng chục thành viên trong nhóm nắm những vị trí cao, gồm cả cố vấn an ninh quốc gia và giám đốc CIA. Nhưng khi mối đe dọa của Liên Xô mờ dần thì hoạt động của nhóm cũng suy yếu. Ủy ban nổi lên trở lại trong một thời gian ngắn, bắt đầu từ năm 2004, để cảnh báo về nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với lập luận rằng các thánh đường và người Hồi giáo trên khắp nước Mỹ đang có ‘cuộc thánh chiến thầm lặng’ để ‘Hồi giáo hóa nước Mỹ’ bằng cách lợi dụng nền dân chủ Mỹ.
Ủy ban gần như đã chết hẳn cho đến khi xuất hiện mối quan ngại về Trung Quốc. Giờ đây họ thừa nhận rằng mối đe dọa từ Trung Quốc khác với Liên Xô vì nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc hội nhập hơn nhiều. Tuy nhiên Washington đang ngày càng quay trở lại những công cụ họ dùng trong Chiến tranh Lạnh để xử lý mối đe dọa vừa kể.
Chính quyền đã đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm làm ăn với các công ty Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng tăng cường kiểm tra đầu tư của Trung Quốc, bao gồm cổ phần thiểu số trong các công ty Mỹ. Tháng 6 năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu hạn chế thị thực cho sinh viên Trung Quốc sau đại học trong các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm như tự động hóa và hàng không. Mỹ cũng bắt đầu cấm các học giả Trung Quốc vào Mỹ nếu họ bị nghi ngờ có liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Làm sụp đổ mối quan hệ?
Cuộc Chiến tranh Lạnh mới không phải một chiều. Trung Quốc đã tăng tường dò xét các công ty Mỹ, và nhiều công ty Mỹ và nhân viên của họ ở Trung Quốc giờ sợ bị trả đũa. Chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù các nhà ngoại giao, học giả và doanh nhân nước ngoài - khiến một số người phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các chuyến đi đến Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã nói rõ rằng họ dự định giúp các công ty của họ thống trị các ngành kỹ nghệ trong tương lai, từ trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính cho đến thiết bị hàng không vũ trụ. Các chính sách của họ là tìm cách thay thế nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao bằng hàng hóa do Trung Quốc tự sản xuất, gây áp lực cho các công ty đa quốc gia dời ra khỏi Mỹ và dẫn đến người Mỹ mất việc làm.
Mối quan hệ song phương xấu đi đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, cùng với lượng sinh viên và du khách Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản Mỹ đã bắt đầu giảm. Các công ty đang ngày càng đa dạng hóa thêm thị trường ngoài Trung Quốc.
Những người cổ súy cho rằng điều này là cần thiết để ‘bảo vệ nước Mỹ’. Nhưng ngày càng có lo ngại rằng nó đang nuôi dưỡng ‘nỗi sợ đỏ’ mới, thúc đẩy sự phân biệt đối xử với sinh viên, các nhà khoa học và các công ty có mối quan hệ với Trung Quốc và có nguy cơ làm sụp đổ mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo New York Times.
“Tôi lo rằng một số người sẽ nói, bởi vì nỗi sợ này, bất kỳ chính sách nào cũng có thể biện hộ được,” ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, được New York Times dẫn lời.
Bà Susan Shirk, chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California ở San Diego, cho biết Mỹ có nguy cơ bị dính vào ‘một phiên bản của Nỗi sợ Đỏ mang tính bài Trung Quốc’ và do đó đang đẩy những nhân tài năng Trung Quốc ra đi và có thể phá vỡ chút thiện chí nhỏ bé còn lại giữa hai nước.
“Chúng ta từng phạm sai lầm này trước đây trong thời Chiến tranh Lạnh,” bà Shirk nói với New York Times. “Và tôi không nghĩ rằng chúng ta nên phạm sai lầm đó một lần nữa.”
Người dân Trung Quốc ở Mỹ và người Mỹ gốc Hoa cho biết họ đang bị ảnh hưởng. Một số nghi ngờ rằng họ không được xem xét cất nhắc hay được nhận hỗ trợ. Những người cổ súy phát triển quan hệ với Trung Quốc được xem là ‘thành phần thỏa hiệp’ hay thậm chí bị chụp mũ là ‘phản quốc’.
“Người Mỹ gốc Hoa cảm thấy bị nhắm mục tiêu,” ông Charlie Woo, giám đốc điều hành của Megatoys và là thành viên của Ủy ban 100, tổ chức quy tụ những người Mỹ gốc Hoa nổi bật, nói với New York Times. “Điều này thật sự gây tổn thương.”
Chính quyền Trump và Ủy ban về Mối nguy Hiện tại đã cẩn thận nói rằng mục tiêu của họ là chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản, chứ không phải người dân Trung Quốc. Nhưng rất khó để phân biệt.
Ông Toby Smith, phó chủ tịch chính sách của Hiệp hội các Đại học Mỹ, nói rằng các trường đại học Mỹ đang nỗ lực để cảnh giác với các mối đe dọa gián điệp, nhưng họ lớn mạnh nhờ vào sự cởi mở và tiếp cận với tài năng và khoa học từ khắp nơi trên thế giới - kể cả từ Trung Quốc.
“Tình hình với Trung Quốc khác với Chiến tranh Lạnh,” ông nói. “Các mối lo về Liên Xô chủ yếu là quân sự. Bây giờ nó là mối lo về cạnh tranh kinh tế.”
‘Bài Hoa là đáng ngại’
Trao đổi với VOA, bà Ông Thụy Như Ngọc, tiến sỹ ngành chính trị học và hiện là chủ bút tờ báo Việt Tide ở California, nêu lên quan ngại về tình trạng kỳ thị của người da trắng ở Mỹ đối với các sắc dân gốc Á nếu chính sách đối ngoại của Mỹ được diễn dịch theo chiều hướng cứng rắn của Trung Quốc.
Bà nhắc đến trường hợp người gốc Nhật ở Mỹ bị xem là ‘thành phần phản bội’ trong Đệ nhị Thế chiến khi Mỹ đang chiến đấu với Nhật đến nỗi họ bị lùa vào các trại tập trung và bà cho rằng ‘đây là vết nhơ trong lịch sử của Mỹ’.
“Điều đáng ngại là chính trị quốc nội Mỹ trong lịch sử luôn có các chính sách đối ngoại biến lòng dân thành chia rẽ, gây thù địch giữa các sắc tộc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong đó có người Việt vốn cũng là sắc dân thiểu số,” bà nói.
Theo tiến sỹ Ngọc, sự kỳ thị đối với người Hoa ở Mỹ hiện nay mặc dù chưa đến mức như đối với người Nhật khi trước, nhưng ‘lịch sử vẫn có thể đang lặp lại dưới hình thức khác’. Tuy nhiên, bà nói do ‘Trung Quốc có nhiều thủ đoạn’ nên ‘phải cân bằng giữa tự do cá nhân và an ninh quốc gia’.
Bà không cho rằng nước Mỹ nên chọn cách đối đầu và chấm dứt sự can dự với Trung Quốc vì ‘toàn cầu hóa đã làm cho vốn tư bản luân lưu chằng chịt giữa các nước nên khó có nước nào, dù là hùng mạnh như Mỹ, có thể đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài’.
Về mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ, bà Ngọc nói xét cả về kinh tế và quân sự thì Trung Quốc ‘chưa phải là đối thủ của Mỹ’ nhưng là ‘quốc gia đang lớn mạnh và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để vươn lên, ôm mộng bá quyền’.
Ông Đỗ Hồng Anh, cựu chủ tịch cộng đồng người Việt khu vực Virginia, Maryland và Washington DC, nói với VOA rằng Trung Quốc ‘không phải là mối đe dọa lớn của Mỹ’ vì ‘trên cán cân kinh tế và quân sự, Mỹ vẫn có ưu thế với Trung Quốc’.
Trả lời câu hỏi của VOA nếu Trung Quốc ‘không phải là mối đe dọa lớn’ thì liệu Mỹ có nên có những biện pháp đề phòng quyết liệt hay không, ông Anh cho rằng ‘những biện pháp đối phó vẫn cần thiết’ để ‘ngăn ngừa Trung Quốc vượt qua Mỹ’.
Tuy nhiên, ông nói chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc phải ‘cứng rắn vừa mềm dẻo’ chứ không phải chỉ hoàn toàn cứng rắn.
Về người Mỹ gốc Hoa, ông Anh nói ‘miễn là họ không làm gì phương hại đến an ninh và kinh tế của Mỹ thì chúng ta không nên bài Hoa’.
“Người Hoa sống ở Mỹ đã quen với sự tự do và không chấp nhận sự kiềm kẹp của Trung Quốc,” ông nói.
Khác với hai ý kiến trên, giáo sư Tạ Văn Tài, cựu giảng viên Trường Luật Harvard, nhận định rằng ‘Trung Quốc là nguy cơ lớn với Mỹ - nguy hiểm trên mọi phương diện’ và nước này ‘bây giờ là địch thủ duy nhất của Mỹ’.
Tiến sỹ Tài dẫn ra các ví dụ như cáo buộc của Mỹ về khả năng hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc có hoạt động do thám, các học giả Trung Quốc ở Mỹ chuyển các bí mật nghiên cứu về cho Trung Quốc, việc Trung Quốc lợi dụng vào WTO để tràn ngập thị trường Mỹ hàng hóa giá rẻ hay các Viện Khổng Tử mà Trung Quốc mở ở Mỹ ‘để tuyên truyền chính trị’.
Tuy nhiên, ông cho rằng do ‘nền kinh tế của Trung Quốc có nhiều khiếm khuyết, dựa vào lao động giá rẻ, dựa vào xuất cảng chứ không dựa vào sáng tạo’ nên ‘khó lòng vượt qua nền kinh tế Mỹ’. Cho nên, theo ông, Mỹ ‘không cần phải sợ’ nhưng ‘cũng cần có sự chuẩn bị để đối phó’.
Ông cho rằng nỗi sợ về Trung Quốc ở Mỹ ‘có cơ sở’ nhưng ‘đã bị thổi phồng quá mức’ và nhắc đến lời cảnh báo của FBI về ‘cuộc đấu tranh toàn diện của xã hội Mỹ đối với cả xã hội Trung Quốc’ mà ông cho là ‘không đến mức đó’.
Ông dẫn chứng là việc Mỹ điều tra kỹ lưỡng và ‘kiểm soát gắt gao quá mức đối với người Trung Quốc và học giả Trung Quốc ở Mỹ’.
“Đừng làm quá mà dẫn đến sự bất an của những người Mỹ gốc Hoa vốn có sự trung thành với nước Mỹ,” ông nói.
Về cách đối phó của Mỹ, học giả này cho rằng nên ‘vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa coi chừng’ và những chỗ nào Trung Quốc ‘làm sai’ thì phải yêu cầu họ điều chỉnh.