Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên: Cải cách tiền tệ thất bại có thể làm chế độ sụp đổ


Bắc Triều Tiên: Cải cách tiền tệ thất bại có thể làm chế độ sụp đổ
Bắc Triều Tiên: Cải cách tiền tệ thất bại có thể làm chế độ sụp đổ

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, các chuyên viên quốc tế nói Bắc Triều Tiên ngày càng suy yếu. Một trong những lý do này bắt nguồn từ việc cải cách tiền tệ hồi năm ngoái. Thông tín viên Kurt Achin của Đài VOA có thêm chi tiết.

Nếu nhìn lại Bắc Triều Tiên đầu năm 1995, khi Liên Xô và khối đồng minh Đông Âu sụp đổ, Bắc Triều Tiên không còn nhận được viện trợ kinh tế từ những nước này. Lãnh tụ Kim Il Sung được nhân dân tôn thờ như thần thánh đã chết một năm trước đó. Bắc Triều Tiên trải qua một thời kỳ đói kém trầm trọng khiến gần 1 triệu người tử vong.

Nhiều người tiên đoán là Bắc Triều Tiên sẽ sụp đổ. Nhưng điều đó đã không xảy ra và vào năm 2005, những ai tiên đoán Bắc Triều Tiên sụp đổ sẽ bị bác bỏ và chế riễu.

Tuy nhiên, hiện nay, điều này đang thay đổi theo như phát biểu gần đây của ông Gordon Flake, Giám đốc điều hành của Quỹ Mansfield: “Tôi nghĩ càng ngày càng có nhiều ý kiến tại Nam Triều Tiên cho rằng sau 20 năm tiên đoán sai lạc về sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên thì bây giờ người ta thấy có một số sự việc đang xảy ra tại Bình Nhưỡng. Ngày càng có nhiều người tại Nam Triều Tiên cho rằng gần đến ngày chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.”

Một trong số những người này là ông Andrei Lankov, một học giả thuộc trường đại học Kookmin tại Seoul: “Sự sụp đổ rất có thể xảy ra và bản thân tôi nếu được hỏi thì tôi trả lời là tôi không tin có một kết thức từ từ và hòa bình tại Bắc Triều Tiên. Có lẽ sẽ có bạo động và kết thúc bi đát.”

Các chuyên gia trong khu vực nói các hành động của chính Bắc Triều Tiên làm nhen nhúm lại những lời bàn luận về sự sụp đổ của chế độ, đặc biệt là cuộc cải cách tiền tệ gây kinh ngạc vào tháng 11 năm ngoái. Các kinh tế gia cho rằng động thái này đã làm tiêu mất những số tiền dành dụm do công khó mang đến và chỉ trong một đêm đã bóp nghẹt những thị trường nhỏ.

Ông Scott Snyder, giám đốc Trung tâm về chính sách Mỹ-Triều Tiên gọi việc cải cách tiền tệ là một sự thất bại hoàn toàn, mang lại những hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Ông cho biết: “Việc đánh giá lại đồng tiền đã làm lung lay tận gốc rễ khi mà Bắc Triều Tiên tiếp tục bị xâm nhập bởi những lực toàn cầu hóa.”

Bước sai lầm về tiền tệ được các học giả mô tả là một trong những yếu tố mà họ gọi là cơn bão hung tợn có thể làm vỡ tan tính ổn định mà Bắc Triều Tiên có được trong nhiều thập niên.

Yếu tố chính là nỗ lực rõ rệt của Bình Nhưỡng nhằm bồi đắp cho người con trai nhỏ nhất của lãnh tụ Kim Jong Il là Kim Jong Un lên kế vị ông này. Cách đây khoảng 2 năm, ông Kim Jong Il đã bị tai biến mạch máu não. Theo như các nhà phân tích về Bắc Triều Tiên nhận xét thì hậu quả là có một tình trạng khẩn cấp để chọn người thừa kế tại Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên theo như giáo sư Kim Byung-yeon thuộc trường đại học Quốc gia tại Seoul thì những nỗ lực chuyển quyền có thể dễ gặp thất bại vì những tranh chấp về quyền lực nội bộ trở nên tồi tệ hơn vì các cải cách tiền tệ hiện nay.

Ông nói tiếp: “Hiện nay có hai hạng người trong giới ưu tú tại Bắc Triều Tiên. Thứ nhất là những người được lợi từ thị trường và thứ hai là những người được lợi do việc hạn chế thị trường. Căng thẳng giữa hai nhóm này có thể làm cho Bắc Triều Tiên tan rã.”

Một yếu tố khác làm cho Bình Nhưỡng mất dần quyền lực là sự yếu kém của họ trong việc kiểm soát thông tin, vì càng ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên có điện thoại di động, đài, và những đĩa DVD của nước ngoài.

Ông Kim Young-soo, một học giả thuộc trường đại học Sogang ở Seoul nói là việc cải cách tiền tệ hiện nay chỉ thành công ở chỗ nó làm cho người Bắc Triều Tiên muốn tìm kiếm thông tin nhiều hơn.

Ông nói: “Cơn sốc của cuộc cải cách tiền tệ giáng một đòn sấm sét vào ý chí người dân, khiến họ bớt tin vào chính phủ. Do đó họ phải tự tìm kiếm lấy thông tin cần thiết để sống còn từ các nguồn bên ngoài. Những sự tin tưởng rằng Bắc Triều Tiên là một thiên đàng đã bị lung lay và sẽ dẫn đến sự sụp đổ một cách trực tiếp.”

Ông Marcus Noland thuộc Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế nói là lần này Bắc Triều Tiên không thể sử dụng chiến thuật cũ là đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những vấn đề của Bình Nhưỡng.

Ông cho biết: “Việc cải cách tiền tệ có tính cách rõ ràng tịch thu tài sản của người dân là một tai họa do tự chính quyền gây nên, và khó cho chế độ giải thích cách khác. Tôi nghĩ rất khó cho chế độ sửa lại những thiệt hại đã gây ra.”

Ngay cả tại Trung Quốc là nguồn cung cấp thực phẩm và xăng dầu từ xưa tới nay của Bắc Triều Tiên cũng có nhiều lời bàn tán về sự sụp đổ có thể xảy ra của Bình Nhưỡng. Có ít nhất một chuyên viên Trung Quốc về Bắc Triều Tiên cảnh báo là Bắc Kinh có thể không cứu nguy nước láng giềng của mình.

Danh sách về những người quan ngại về tình hình Bắc Triều Tiên có thể dài ra nếu có bằng chứng cứ cho thấy Bắc Triều Tiên có liên hệ đến vụ một chiếc tàu Hải quân Nam Triều Tiên bị chìm mới đây.

Nam Triều Tiên cảnh báo là nếu có sự dính líu của Bắc Triều Tiên trong việc này, Nam Triều Tiên sẽ đáp trả lại xuyên qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có thể là bằng cách gia tăng bao vây kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG