Đường dẫn truy cập

Novaland xin khất nợ trái phiếu hoặc gán tài sản trả nợ


Nova Land là thương hiệu bất động sản nổi tiếng ở Việt Nam
Nova Land là thương hiệu bất động sản nổi tiếng ở Việt Nam

Novaland, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam, vừa có đề xuất xin được hoãn trả nợ hai lô trái phiếu đã đến hạn hoặc gán bất động sản của họ đổi lấy trái phiếu, truyền thông trong nước đưa tin, do Novaland bị kẹt tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng.

Tổng số tiền gồm cả lãi lẫn gốc trái phiếu của cả hai lô này mà Novaland phải thanh toán là 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái chủ đã bác bỏ các đề xuất này của Novaland.

Cụ thể, trong hai lô trái phiếu này, một lô trị giá 1.000 tỷ đồng với lãi suất cố định là 10,5% một năm (trả lãi mỗi 6 tháng với lãi suất 5,25%) đã đáo hạn vào ngày 12/2 năm 2023. Tổng cộng cả gốc lẫn lãi của lô trái phiếu này là 1.053,2 tỷ đồng và đến nay nó đã quá hạn gần 3 tuần.

Mục đích của lô trái phiếu này là để ‘tăng quy mô vốn’ để đầu tư phát triển dự án Khu đô thị tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, và các dự án khác.

Lô còn lại có giá trị 500 tỷ đồng mới được phát hành ngày 16/2 năm ngoái với kỳ hạn hai năm và phải đến ngày 16/2 năm 2024 mới đáo hạn, nhưng đã đến kỳ hạn trả lãi mỗi 6 tháng vào ngày 16/2 năm nay với số tiền 26,5 tỷ đồng.

‘Bất khả kháng’

Lý do mà Novaland đưa ra là họ ‘chưa thu xếp được nguồn tiền’, trang mạng Zing dẫn thông tin bất thường mà tập đoàn bất động sản này vừa công bố cho biết.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 22/2, cũng trang Zing dẫn lời Novaland cho biết họ đã nỗ lực trả hết phần lãi của hai lô là 80 tỷ đồng, còn lại 1.000 tỷ đồng tiền gốc chưa thanh toán được và đề xuất thời hạn hai tháng để thương lượng với trái chủ phương án thanh toán phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Novaland cũng đưa ra hai phương án trả nợ: một là giãn thời hạn trả nợ, và hai là lấy các sản phẩm bất động sản mà họ đang xây dựng nhưng chưa bán được gán nợ.

Tập đoàn bất động sản này lập luận rằng việc đề ra các phương án trả nợ như vậy là ‘bất khả kháng’ do ‘biến động không thể lường trước của thị trường’. Điều này cũng ‘phù hợp với quy định ghi trong văn kiện phát hành trái phiếu’, theo Zing.

Novaland cho biết họ hiện có 25.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa trong các ngân hàng thương mại và nếu họ hoàn thiện được các thủ tục pháp lý thì sẽ được giải phóng khoảng hơn 10.000 tỷ đồng trong vòng hai tháng tới để lấy số tiền đó trả nợ trái phiếu và có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.

‘Trái chủ không đồng ý’

Đại diện cho các trái chủ, đại diện Công ty Chứng khoán Dầu khí-Doanh nghiệp (PSI) hôm 22/2 đã nói với trang mạng Vietnamnet rằng các trái chủ đang nắm 1.000 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu của Novaland ‘không đồng ý với đề xuất trả nợ của tập đoàn này’.

“Tối ngày 20/2, kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến cho thấy, đại diện người sở hữu trái phiếu đã không đồng ý với các nội dung xin ý kiến của Novaland,” đại diện PSI nói với Vietnamnet.

PSI là bên tư vấn phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng nói trên, đồng thời cũng là bên đại diện cho các trái chủ và quản lý cổ phần của Novaland vốn được giữ làm tài sản đảm bảo trong trường hợp Novaland không thanh toán được khoản nợ trái phiếu.

Trong trường hợp trái chủ không chấp nhận phương án trả nợ của Novaland thì số tài sản đảm bảo sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật để lấy tiền trả cho các trái chủ.

Được thành lập vào năm 2007, Novaland hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đây là tập đoàn bất động sản được niêm yết lớn thứ hai Việt Nam, với giá trị vốn hóa thị trường 4,7 tỷ đô la, đứng sau Vinhomes, mảng bất động sản của tập đoàn Vingroup.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tập đoàn này đã sa thải khoảng một nửa số nhân viên, tìm cách bán tài sản khẩn cấp để trả nợ và hầu hết công trình đang xây dựng của họ đã bị tạm ngưng do thiếu vốn, Reuters các nguồn tin nội bộ trong công ty và trong ngành cho biết.

Hiện tại, Novaland đang tái cấu trúc toàn diện với sự hỗ trợ của nhiều đối tác tư vấn như EY - Parthenon, KPMG theo hướng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, Zing cho biết.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây khi mà các ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản còn kênh trái phiếu đang bị tắc nghẽn do những vụ bê bối về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bị phanh phui. Trong khi đó, nhiều sản phẩm bán động sản đưa ra thị trường không có người mua.

Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập tổ công tác đặc biệt để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG