Đường dẫn truy cập

Nữ dân biểu Đài Loan bị chặn tại sân bay Việt Nam?


Bà Tô Trị Phân cáo buộc Việt Nam 'tịch thu hộ chiếu, và không cấp cho bà thẻ lên máy bay'. (Ảnh tư liệu)
Bà Tô Trị Phân cáo buộc Việt Nam 'tịch thu hộ chiếu, và không cấp cho bà thẻ lên máy bay'. (Ảnh tư liệu)

Một dân biểu Đài Loan cáo buộc hải quan Việt Nam giữ bà tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội nhiều giờ đồng hồ, khi bà chuẩn bị lên máy bay để tới nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.

Trên trang Facebook cá nhân, chiều 1/8, bà Tô Trị Phân viết rằng chính quyền Việt Nam đã, theo lời bà, “tịch thu hộ chiếu, và không cấp cho bà thẻ lên máy bay”.

China Post đưa tin, nữ dân biểu của Đảng Dân tiến của Đài Loan cùng với nhóm đi cùng với bà tới sân bay Nội Bài, chuẩn bị bay tới thành phố Vinh rồi sau đó dùng xe buýt di chuyển tới Hà Tĩnh để tới nhà máy thép Formosa.

Theo trang web Focus Taiwan, đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Việt Nam đã phải can thiệp để yêu cầu chính quyền Việt Nam “trả tự do” cho nhóm.

Trang này cũng đưa tin rằng bà Tô tới Việt Nam với tư cách cá nhân từ ngày 31/7 tới ngày 4/8. Ngoài Formosa Hà Tĩnh, bà còn dự tính tới thăm các doanh nhân Đài Loan hoạt động tại đây nhằm tìm hiểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Sau sự cố trên, bà Tô cho biết rằng thay vì đường hàng không, đoàn của bà đã phải di chuyển bằng đường bộ.

Hải quan sân bay Nội Bài chưa lên tiếng phản hồi trước các cáo buộc của nữ dân biểu Đài Loan.

Chuyến đi của bà Tô diễn ra một tháng sau khi Formosa “thừa nhận trách nhiệm” về thảm họa ô nhiễm môi trường, gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.

Ngư dân Mai Thạnh ở Hà Tĩnh, một trong những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc này, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông “sẵn sàng gặp mặt và nói chuyện với nhóm dân biểu Đài Loan”.

Ông nói thêm:

“Một nhóm nhỏ của Đài Loan sang làm ảnh hưởng tới Việt Nam, cho nên họ phải can thiệp, họ phải sang. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi. Chúng tôi sợ họ không cho gặp mặt ấy chứ”.

Ngoài việc nhận trách nhiệm, Formosa cũng đồng ý đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục sự cố.

Ông Thạnh cho biết ông chưa nhận được “bất kỳ khoản nào” từ số tiền trên. Ông nói thêm:

“Chưa có ai đền bù cho một cái gì hết. Họ bảo rằng họ đền bù cho dân, nhưng chưa thấy gì cả. Chúng tôi yêu cầu làm lại biển sạch cho dân, đền bù những thiệt hại của chúng tôi vừa qua. Hiện tại người dân chúng tôi không đi làm ăn được. Cá có không ai mua mà cũng không có cá mà làm [bắt]. Tôi cũng không hy vọng chuyện gì cả mà tôi yêu cầu Formosa phải đóng cửa, ra khỏi Việt Nam”.

Trong một diễn biến liên quan, khi tiếp xúc với cử tri ở TP HCM hôm 1/8, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trả lời các câu hỏi liên quan tới vụ Formosa.

Báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Quang nói rằng “nhà đầu tư đã thừa nhận và cam kết khắc phục, không để tái diễn, đồng ý hỗ trợ chuyển đổi cho ngư dân, đảm bảo thay đổi công nghệ để tránh tái diễn các sự cố môi trường trong tương lai”.

Chủ tịch Việt Nam được dẫn lời nói: “Nhưng không phải vì thế mà không xem xét các trách nhiệm khác. Những hành vi vi phạm này sẽ được điều tra xử lý nghiêm, ví dụ như hành vi chôn lấp rác thải đã xảy ra ở Hà Tĩnh, và lại mới xảy ra ở Đồng Nai”.

Người đứng đầu nhà nước Việt Nam được VietNamNet dẫn lời nói thêm: “Chúng ta không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Phải đảm bảo được chủ quyền, lợi ích, an ninh, đời sống yên bình của nhân dân. Sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các dự án đầu tư có vốn nước ngoài tại Việt Nam”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG