Đường dẫn truy cập

Pakistan cho biết quan hệ với Hoa Kỳ được cải thiện


Đặc phái viên Mỹ Marc Grossman (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik trước một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tại Islamabad, Pakistan, 21/10/2011
Đặc phái viên Mỹ Marc Grossman (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik trước một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tại Islamabad, Pakistan, 21/10/2011
Pakistan nói những mối quan hệ chính trị và quân sự với Hoa Kỳ đang tăng tiến sau gần hai năm thụt lùi và khủng hoảng. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan nói với Đài VOA là sự hiểu biết lẫn nhau cũng được cải thiện về cách thức làm thế nào chống khủng bố tại vùng biên giới Pakistan và đẩy mạnh hòa giải chính trị tại nước láng giềng Afghanistan. Thông tín viên Ayaz Gul tường trình cho Đài VOA từ Islamabad.

Hợp tác song phương dần dần được cải thiện kể từ tháng 7 khi Pakistan mở cửa lại những con đường tiếp liệu của NATO vào Afghanistan.

Bằng chứng mới nhất về bình thường hóa các mối quan hệ diễn ra trước đây trong tháng sau khi chính quyền Obama thông báo Quốc hội Mỹ là sẽ trả lại gần 700 triệu đô la cho Islamabad về những chi phí để thực hiện những cuộc hành quân chống khủng bố trên biên giới Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Naveed Qamar nói với Đài VOA là nước ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm tháo khoán các viện trợ quân sự khác để giúp cho tiến trình này tiếp tục.

“Mọi việc đã được cải thiện mạnh mẽ và tôi muốn nói là chúng tôi đã trở lại thời kỳ trước đây khi có sự hợp tác thường xuyên giữa hai quốc gia ở các mức độ khác nhau, chính trị, quân sự, tình báo…”

Pakistan đã nhận được khoảng 2 tỉ đô la trợ giúp an ninh từ Hoa Kỳ bao gồm những khoản tiền hoàn lại về quân sự, được gọi là quỹ hỗ trợ liên minh.

Tuy nhiên những khoản tiền này đã bị giữ lại vì những căng thẳng ngoại giao đối với việc Hoa Kỳ đột kích để tiêu diệt Osama bin Laden, và việc giết chết 24 binh sĩ Pakistan trong một cuộc oanh kích xuyên biên giới của NATO vào tháng 11 năm 2011. Biến cố này đã khiến cho Pakistan đóng cửa các con đường tiếp vận của NATO và ngưng tất cả các sự hợp tác chống khủng bố với Hoa Kỳ.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Pakistan từ chối điều động binh sĩ chống lại những căn cứ của mạng lưới Haqqani tại vùng biên giới North Waziristan, một nơi ẩn náu an toàn được các phần tử chủ chiến sử dụng trong các cuộc tấn công vượt biên giới của phe nổi dậy tại Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Qamar nói hiện có sự thông cảm tốt hơn tại Washington về những dè dặt của Pakistan đối với cuộc chiến đấu toàn diện chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo trên lãnh thổ Pakistan.

“Đối với việc khi nào làm việc này, cách tốt nhất là để cho những người trên chiến trường phán đoán là một cuộc hành quân nào đó sẽ có tác dụng hay phản tác dụng. Chúng tôi thấy rõ là Hoa Kỳ tiến gần đến lập trường của Pakistan nhưng chúng ta cần phải cùng nhau làm việc để có thể tiến đến mục tiêu là xóa sạch khủng bố.”

Các nhà lãnh đạo Pakistan nói việc tái lập lại tiến trình tham khảo giữa Islamabad và Washington về cách thức làm thế nào thúc đẩy hòa giải chính trị tại Afghanistan cũng cho thấy có sự gặp nhau về những quan điểm trong việc đạt được mục tiêu chung là chấm dứt chiến tranh Afghanistan.

Islamabad cũng lo ngại về một cuộc rút lui vội vã toàn bộ lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan mà không sắp sẵn một tiến trình ổn định chính trị cho nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Naveed Qamar nêu lên những lo ngại rõ ràng.

“Điều chúng tôi kỳ vọng là một khi lực lượng Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan, sẽ có những lực lượng còn lại có khả năng kiểm soát tình hình. Có thể có sự thúc đẩy bên trong chính phủ Hoa Kỳ để nhanh chóng rút quân. Nhưng rút quân nhanh chóng không nên gây hậu quả là sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan.”

Các nguồn tin ngoại giao Afghanistan tại Islamabad cũng đồng ý là Islamabad có những dấu hiệu rõ ràng là Pakistan đang tiến tới trong việc giúp làm dễ dàng tiến trình hòa giải chính trị tại Afghanistan. Những nguồn tin này tin là việc sẵn sàng này dường như được thúc đẩy bởi những lo ngại là cuộc chiến sẽ lan sang Pakistan nếu hệ thống chính trị tại Kabul sụp đổ tiếp theo việc rút quân của các lực lượng nước ngoài.

Theo yêu cầu của chính phủ Afghanistan, Islamabad vừa mới đây đã trả tự do cho hơn một chục lãnh tụ Taliban người Afghanistan để đẩy mạnh tiến trình hòa giải chính trị và hứa sẽ trả tự do cho hàng chục tù nhân khác còn bị giam giữ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG