Đường dẫn truy cập

Giám đốc đầu tiên của đoàn Hòa Bình Mỹ từ trần, thọ 95 tuổi


Ông R. Sargent Shriver năm 1965
Ông R. Sargent Shriver năm 1965

Vào năm nay, Peace Corps, đoàn Thanh niên Phụng sự Hòa bình, gọi tắt là đoàn Hòa Bình, sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Hôm thứ Ba tuần qua, 18 tháng giêng, sáng lập viên kiêm giám đốc đầu tiên của tổ chức này, ông Sargent Shriver vừa từ trần, hưởng thọ 95 tuổi. Câu chuyên Nước Mỹ hôm này sẽ mang đến quí vị một số chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của ông, cùng một đôi nét về đoàn Thanh Niên Phụng Sự Hòa Bình Peace Corps của Hoa Kỳ.

Ông R. Sargent Shriver, con rể gia đình Kennedy, là người sáng lập kiêm giám đốc đầu tiên của đoàn Thanh Niên Phụng Sự Hòa Bình Peace Corps. Ông cũng từng đảm nhận trách nhiệm chống nạn nghèo khó, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp và cũng từng là ứng cử viên phó tổng thống Hoa Kỳ năm 1972, vừa tạ thế hôm 18 tháng giêng tại bang Maryland, hưởng thọ 95 tuổi.

Con của một chủ ngân hàng, ông Sargent Shriver ra đời năm 1915, tốt nghiệp đại học Yale năm 1938, và rồi sau đó ông lấy bằng luật của Yale năm 1941.

Ông gia nhập hải quân chỉ một thời gian ngắn trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Ông trở thành sỹ quan trên các tàu chiến và tàu ngầm của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ông từng được trao tặng Anh Dũng Bội tinh vì bị thương tại Guadalcanal.

Năm 1953 ông kết hôn với bà Eunice Kennedy, em gái Tổng thống J.F. Kennedy, trở thành con rể của gia đình này, và từ đó khó có thể tách rời hình ảnh ông ra khỏi một gia đình chính trị thế lực nhất quốc gia.

Ông cũng là người điều hành cuộc vận động tranh cử cho ứng cử viên tổng thống John F. Kennedy năm 1960 trước khi thành lập đoàn Hòa Bình Peace Corps và đưa tổ chức này vào hoạt động năm 1961.

Ông cũng là nhạc phụ của cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger.

Tuy vậy, suốt đời ông Shriver chưa bao giờ giữ môt chức vụ công cử.

Năm 1963, sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, ông được Tổng thống Johnson giao cho chức vụ Chánh Văn Phòng Về Cơ Hội Kinh Tế của Tòa Bạch Ốc, điều khiển một số các chương trình chống nạn nghèo khó.

Năm 1968 ông được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp vào một lúc mà quan hệ Mỹ-Pháp không được thuận buồm xuôi gió. Lúc đó Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã công nhận Trung Cộng, rút lực lượng Pháp ra khỏi NATO và chỉ trích Hoa Kỳ can dự vào Đông Dương. Nhưng ông Shriver đã tạo được một quan hệ với Tổng thống De Gaulle và được ghi công đã giúp cải thiện bang giao giữa hai nước.

Thập niên 1980 và 1990, ông Shriver là chủ tịch của Ủy Ban Olympic Quốc Tế Đặc Biệt cho những người kém khả năng trí tuệ, một tổ chức do bà Eunice Kennedy, vợ ông, sáng lập năm 1968.

Năm 1994 ông được Tổng thống Bill Clinton trao tặng huân chương Tự Do về công trình của ông trong công cuộc chống nạn nghèo khó.

Điều đáng nhớ nhất về ông là tư cách đồng sáng lập viên và giám đốc đoàn Thanh Niên Phụng Sự Hòa Bình Peace Corps và những gì ông phục vụ cho công ích.

Peace Corps là một chương trình thiện nguyện do chính phủ Hoa Kỳ điều hành. Sứ mạng của tổ chức này gồm 3 mục tiêu: Trợ giúp kỹ thuật, giúp những người ở bên ngoài hiểu được văn hóa nước Mỹ, và giúp người Mỹ hiểu được văn hóa của các nước khác. Thường thì công việc của tổ chức liên quan đến các công tác giúp phát triển kinh tế và xã hội. Mỗi một người tham gia chương trình này đều là công dân Mỹ, và thường tốt ngiệp đại học, được gửi ra nước ngoài làm việc trong 24 tháng sau khi được huấn luyện 3 tháng. Những tình nguyện viên Peace Corps làm việc với các chính phủ, các trường học, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức có liên quan đến giáo dục, chống nạn đói, thương nghiệp, công nghệ thông tin, nông nghiệp và môi trường.

Kể từ năm 1961 đến nay, trên 200 ngàn công dân Mỹ đã gia nhập đoàn Hòa Bình Peace Corps, phục vụ tại 139 quốc gia, trong số này có cả Việt Nam từ những năm trước 1975 và sau này. Rất nhiều người từng là tình nguyện viên phục vụ trong tổ chức Peace Corps đã tiến lên những chức vụ cao của quốc gia hoặc trở thành những khuôn mặt nổi tiếng trong xã hội Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG