Đường dẫn truy cập

Pháp: Lại tiếp tục biểu tình chống cải cách hưu bổng


Biểu tình chống cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Toulouse, Pháp, ngày 7/2/2023.
Biểu tình chống cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Toulouse, Pháp, ngày 7/2/2023.

Những người biểu tình làm gián đoạn giao thông tại sân bay chính của Paris và cảnh sát đã bắn hơi cay vào các thành phố khác của Pháp trong đợt đình công và biểu tình mới nhất ngày 6/4 chống lại các cải cách lương hưu gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron.

Nỗ lực nâng tuổi nghỉ hưu trong nước từ 62 lên 64 tuổi của ông Macron đã châm ngòi cho cơn bão phẫn nộ của công chúng kéo dài hàng tháng trời.

Các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo công đoàn và Thủ tướng Elisabeth Borne đã kết thúc vào ngày 5/4 mà không có bước đột phá nào, tạo tiền đề cho những người biểu tình quay trở lại đường phố.

Tuy nhiên, số người đình công đã giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Giêng năm nay. Khoảng 400.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở Paris ngày 6/4, giảm so với 450.000 vào tuần trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động CGT nói.

Vào ngày 6/4, xe điện ngầm Paris hoạt động gần như bình thường, hoàn toàn trái ngược với những ngày trước đó. Theo Bộ Giáo dục, chưa đến 8% giáo viên đình công. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu của TotalEnergies khá lớn ở Gonfreville-l’Orcher vẫn đóng cửa.

Tại Paris, cảnh sát bị ném gạch đá khi cuộc biểu tình đến La Rotonde, một nhà hàng được ông Macron bảo trợ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Một phần mặt tiền của địa điểm sang trọng bị bôi bẩn.

Cảnh sát đã giải tán những người biểu tình bạo động, chiếm thiểu số, bằng hơi cay sau khi họ đập phá một chi nhánh của ngân hàng Credit Agricole.

Các chuyên gia cho rằng bạo lực xảy ra trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc, với hàng chục người biểu tình và cảnh sát bị thương, đã khiến những bộ phận dân chúng ít hoạt động hơn mất hứng thú.

“Các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực hơn khi chúng tiếp tục. Điều đó có nghĩa là nhiều người ở Pháp hiện đang tránh xa,” ông Luc Rouban, giám đốc nghiên cứu của một trung tâm tại Science Po, trường đại học danh tiếng ở Paris, nói.

Người tuần hành ở Paris, Khadija Philip, không đồng ý với ý chí giảm sút, thề rằng “chúng tôi sẽ không bỏ cuộc chừng nào họ chưa dành thời gian để nghe chúng tôi và xem xét lại quyết định của họ.” Đại diện của Công đoàn Sylvain Challan Belval cho biết chính phủ của ông Macron chỉ đơn giản là câu giờ và hy vọng rằng phong trào biểu tình “sẽ tự hủy diệt”.

Tại Lyon, cảnh sát bắn hơi cay - đối với nhiều người là một điều bình thường mới ở Pháp - để giải tán đám đông bên ngoài một cửa hàng cà phê Nespresso đã bị cướp phá.

Bộ Nội vụ ngày 6/4 triển khai khoảng 11.500 cảnh sát trên toàn quốc, bao gồm 4.200 ở Paris, để cố gắng ngăn chặn thêm các cuộc đụng độ và phá hoại đầy dẫy tại các cuộc biểu tình trước đó.

Tại Paris, những người bắt chuột đã ném xác loài gặm nhấm này vào Tòa thị chính hôm 5/4. Đài truyền hình BFMTV cho thấy xác chết của loài gặm nhấm được ném bởi những công nhân mặc đồ bảo hộ màu trắng.

Bà Natacha Pommet, lãnh đạo bộ phận dịch vụ công của công đoàn CGT, ngày 6/4 nói rằng những người bắt chuột ở Paris muốn “cho thấy thực tế khó khăn trong nhiệm vụ của họ” và sự phản đối cải cách lương hưu của ông Macron đang biến thành một phong trào công nhân bất bình rộng lớn hơn về tiền lương và các khiếu nại khác.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tất cả sự tức giận này tập hợp tất cả các loại giận dữ lại với nhau.”

Mười đợt đình công và biểu tình trên toàn quốc trước đó kể từ tháng 1 năm nay đã không thể khiến ông Macron thay đổi hướng đi và chính phủ của ông không có dấu hiệu nào cho thấy đợt biến động thứ 11 ngày 6/4 sẽ khiến chính phủ lùi bước.

Những đám đông phần lớn ôn hòa tuần hành sau những lá cờ và biểu ngữ màu của công đoàn ở Marseille trên bờ biển Địa Trung Hải, Bordeaux ở phía tây nam, Lyon ở phía đông nam và các thành phố khác. Tại Paris, người đình công lại đóng cửa Tháp Eiffel.

Ở thành phố Nantes phía tây, những chiếc máy kéo ầm ầm tham gia cuộc diễn hành của người tuần hành, và những đám mây dày đặc hơi cay của cảnh sát đã được bắn ra để chống lại người biểu tình. Việc sử dụng hơi cay của cảnh sát cũng được báo cáo ở Lyon và thành phố Rennes, ở Brittany.

Tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris vào sáng 6/4, khoảng 100 người biểu tình chặn một con đường dẫn đến Nhà ga số 1 và tiến vào tòa nhà, nhà điều hành sân bay cho biết. Họ nói các chuyến bay không bị ảnh hưởng, nhưng du khách kéo theo hành lý phải len lỏi qua những người biểu tình vẫy cờ.

Đại diện của CGT tại sân bay, Loris Foreman, nói với đài truyền hình BFM rằng người biểu tình muốn “cho thế giới và châu Âu thấy rằng chúng tôi không muốn làm việc đến 64 tuổi”.

Công nhân đình công ít ảnh hưởng đến các dịch vụ vận tải hơn so với những ngày biểu tình trước đó và có ít người biểu tình hơn được báo cáo ở một số thành phố. Tuy nhiên, ngay cả khi phần nào giảm bớt, các cuộc tuần hành trên khắp đất nước cho thấy sự phản đối cải cách lương hưu vẫn còn mạnh mẽ.

Bà Sophie Binet, tổng thư ký mới được bầu của công đoàn CGT, nói đó là “một sự tức giận sâu sắc, một sự tức giận lạnh lùng.” Bà mô tả chính phủ của ông Macron là “hoàn toàn bị ngắt kết nối với đất nước và hoàn toàn cố thủ trong các bộ.”

“Chúng tôi không thể bước sang một thời kỳ mới cho đến khi cải cách bị rút lại,” bà nói, hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG