Đường dẫn truy cập

Philippines bác bỏ khi Trung Quốc đòi phải thông báo trước về hoạt động tiếp liệu


Tải hải cảnh Trung Quốc va chạm một tầu tiếp liệu của Philippines hồi tháng 10/2023 gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Tải hải cảnh Trung Quốc va chạm một tầu tiếp liệu của Philippines hồi tháng 10/2023 gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines nói hôm thứ Năm 16/11 rằng Philippines không có nghĩa vụ phải thông báo cho Trung Quốc về các hoạt động tiếp liệu của nước này ở Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng công việc này, kể cả nỗ lực "duy trì" một tàu hải quân mắc cạn, là điều chính đáng.

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cũng kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ mọi “công trình bất hợp pháp” mà nước này xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, ngừng hoạt động bồi đắp ở những khu vực đó và chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà các hoạt động đó gây ra.

Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc Philippines xâm nhập phi pháp vùng biển của Trung Quốc mà không được phép khi thực hiện các cuộc vận chuyển thực phẩm và nước uống cho binh sĩ Philippines sống trên một tàu hải quân mà Manila cố tình cho mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) có tranh chấp. Bãi cạn này được Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái tiêu.

Người phát ngôn DFA Teresita Daza nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi được yêu cầu thông báo trước mỗi khi thực hiện nhiệm vụ tiếp liệu cho Bãi cạn Ayungin. Chúng tôi sẽ không làm như vậy”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, và vẽ ra một đường đứt đoạn trên bản đồ của nước này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Đài Loan, bị Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, cũng nói rằng họ không chấp nhận bản đồ của Bắc Kinh.

Tòa án Trọng tài Thường trực đã phán hồi năm 2016 rằng đường đứt đoạn đó trên bản đồ của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh phản bác phán quyết này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin mới đây đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với phán quyết của tòa trọng tài khi ông gặp người đồng cấp bên phía Manila ở Jakarta. Cả hai vị bộ trưởng đều lên án hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế.

Kể từ khi tàu Sierra Madre ủi bãi ở Bãi Cỏ Mây hồi năm 1999 trong nỗ lực của Manila nhằm khẳng định chủ quyền của mình, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Philippines kéo tàu đi, vì Bắc Kinh cho rằng hai bên có một thỏa thuận nhưng Manila nhiều lần nói rằng không hề tồn tại một thỏa thuận nào như vậy.

Người phát ngôn Daza nói: “Philippines chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận nào từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, bao gồm cả khu vực lân cận Bãi cạn Ayungin”.

Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines 190 km (118 dặm), đồng nghĩa là nó nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG