Đường dẫn truy cập

Tổ chức cứu trợ kêu gọi Philippines giải quyết vấn đề người tỵ nạn


Người Philippines tại một trại tị nạn ở Palau Gaya, gần Kota Kinabalu ở Sabah, Malaysia
Người Philippines tại một trại tị nạn ở Palau Gaya, gần Kota Kinabalu ở Sabah, Malaysia

Với một chính quyền mới lên nhậm chức ở Philippines trong tháng này, nhiều người đặt hy vọng vào một nỗ lực mới nhằm đem lại hòa bình cho miền nam đầy biến động của nước này. Nhưng những người hoạt động cho nhân quyền ở nước Malaysia láng giềng nói rằng muốn thành công, các cuộc hòa đàm cũng phải giải quyết nhu cầu của hàng chục ngàn người Philippines tỵ nạn. Từ Kuala Lumpur, thông tín viên VOA Luke Hunt gửi về bài tường thuật sau đây.

Kể từ khi các tòa án Philippines đạt được một thỏa thuận hòa bình với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro vào năm 2008, các vụ tấn công lẻ tẻ của phe chủ chiến đã buộc hơn 400.000 người rời bỏ nhà cửa ở Mindanao miền nam nước này.

Hàng ngàn người đã tham gia hàng ngũ của khoảng 100 ngàn người đồng hương đã bỏ trốn qua Malaysia trong vòng 4 thập niên qua vào lúc Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, MILF, chiến đấu để thành lập một tổ quốc Hồi giáo ở Mindanao.

Trước việc tổng thống tân cử Benigno Aquino sắp lên nhậm chức ở Manila, đã có những nguồn hy vọng về một nỗ lực mới nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với MILF.

Bà Irene Fernandez là giám đốc điều hành Tenaganita, một tổ chức của Malaysia làm việc để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và người tỵ nạn.

Bà Fernandez nói rằng bất cứ nỗ lực nào tìm ra một nền hòa bình lâu dài cũng phải giải quyết số phận của những người Philippines tỵ nạn và di cư bất hợp pháp ở Malaysia.

Bà Fernandez nói: “Nhiều người trong số này, đã trở thành những người vô quốc tịch trong thời gian 35 năm họ ở đây. Và sẽ là một cách tốt để đưa nhiều người Philippines trở về Mindanao là nguyên quán của họ.”

Hàng chục trại tỵ nạn nằm rải rác ở ven duyên hải bang Sabah của Malaysia, trên mỏm đảo Borneo.

Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc đã thiết lập đa số các trại mà thoạt đầu nhằm mục đích chỉ chứa độ vài trăm người.

Con số người đã tăng vọt trong khi các vòng hòa đàm và ngưng bắn liên tiếp thất bại. Các trại này nghèo nàn và bẩn thỉu. Nhưng những người Philippines đã ở lại các trại này lâu đến nỗi bà Fernanez lo ngại rằng họ không còn thấy mình có liên hệ với đất nước của chính mình nữa.

Bà Fernandez nói tiếp: “Tôi có những mối quan ngại riêng bởi vì chúng ta đang xét tới thế hệ thứ hai và thứ ba, và đôi khi cả thế hệ thứ tư nữa sau quá nhiều năm, là những người không còn hình thức căn cước hay kiến thức nào về Philippines và họ tự coi mình là người Sabah hay Malaysia hơn là người Philippines.”

Bà Fernandez nói các cuộc hòa đàm phải giúp người tỵ nạn, và đem lại cho những người mong muốn một cơ hội được ở lại và làm việc một cách hợp pháp tại Malaysia.

Theo bà, thì chỉ có như thế mới có thể nói được rằng các cuộc hòa đàm đạt được một kết cục công bằng và hợp lý.

Một toán thanh sát quốc tế gồm các nước Na Uy, Brunei, Nhật Bản và Libya sẽ kiểm tra tiến trình hòa bình tại Mindanao, và theo dõi bất cứ hiệp ước ngưng bắn nào đạt được giữa chính phủ của ông Aquino với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG