Đường dẫn truy cập

Vương Đình Huệ: Việt Nam ‘không rập khuôn’ nước khác; chuyên gia nói cần học hỏi


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, 26/10/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, 26/10/2019

“Việt Nam cần có con đường đi riêng với giải pháp khả thi chứ không rập khuôn theo bất cứ mô hình nào của thế giới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại một hội thảo mới đây, được báo chí trong nước dẫn lại trong các bản tin hôm 26/10.

Các chuyên gia Nguyễn Quang A và Phạm Chi Lan cho rằng cách nói của ông Huệ cần hiểu đầy đủ là Việt Nam nên học hỏi các bài học kinh nghiệm cả tốt lẫn dở của các nước để rút ra con đường phù hợp cho mình.

Theo Dân Trí, Zing và các báo khác, lời phát biểu của Phó Thủ tướng Huệ được đưa ra tại hội thảo do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

Tại hội thảo này, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế thảo luận về đề tài “Lựa chọn để phát triển”, từ đó rút ra ý kiến “đóng góp xây dựng” cho văn kiện của đại hội Đảng Cộng sản sắp tới.

Tin cho hay nhiều người tham gia hội thảo khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” từ Đại hội Đảng lần thứ 12 “vẫn còn nguyên giá trị”. Song họ cũng đưa ra ý kiến rằng Việt Nam cần phải có cách làm sáng tạo và khả thi “theo đặc điểm riêng” của đất nước, không nên “sao chép mô hình, giải pháp” từ bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Trong khi không thể áp dụng nguyên xi mô hình của các nước thì cũng phải thấy ở mô hình nào có những bài học rất hay rất tốt ... coi như là chìa khóa thành công, thì mình cũng phải học theo, cố gắng làm cho được.
Chuyên gia Phạm Chi Lan


Ý kiến kể trên nhận được sự đồng tình của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ông cho biết rằng bện cạnh hội thảo này, bộ máy Đảng Cộng sản và nhà nước sẽ tiếp tục tham vấn rộng rãi với các chuyên gia kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế... để chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 13.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận với VOA rằng do các điều kiện của Việt Nam, nếu đặt ra tham vọng tiến thật nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, thực tế sẽ cho thấy đó là “giấc mơ hão”. Nhưng theo bà Lan, là nước đi sau, Việt Nam “rất cần học hỏi” kinh nghiệm của các nước khác. Bà nói:

“Trong khi không thể áp dụng nguyên xi mô hình của các nước thì cũng phải thấy ở mô hình nào có những bài học rất hay rất tốt mà nó cũng được các nước khác công nhận, các nhà nghiên cứu trên thế giới công nhận, coi như là chìa khóa thành công, thì mình cũng phải học theo, cố gắng làm cho được”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, có chung suy nghĩ với chuyên gia Phạm Chi Lan.

Theo tiến sĩ, cách nói của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có thể gây hiểu nhầm là giới lãnh đạo Việt Nam “không cần học ai” và “tự sáng tạo” ra mô hình riêng, nhưng trên thực tế, việc tham khảo bài học từ nước khác là cần thiết. Ông nói với VOA:

“Nước nào cũng thế, cần phải học cái hay cái dở của nước khác, không phải để sao chép. Nhưng mà cái dở thì phải tránh, cái hay có thể học được cái gì thì học, và cái chuyện đấy cũng bình thường thôi”.

Nhận định về điều Việt Nam cần làm nhất để phát triển, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh đó là cải cách thể chế, và bà xem đó là chìa khóa để mở cửa cho những sự phát triển khác, kể cả về khoa học-công nghệ. Bà nói:

“Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu vẫn là phải tiếp tục cải cách thể chế. Và cải cách thể chế thậm chí mạnh hơn thời gian trước đây. Tinh thần của công nghệ, của đổi mới sáng tạo đòi hỏi những phẩm chất mới của thể chế Việt Nam, của những người trong bộ máy nhà nước”.

Bà Lan nhắc lại rằng thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một số nghị quyết quan trọng về chiến lược phát triển, trong đó có việc thúc đẩy công nghệ cao, phân bổ lại nguồn lực, cải cách doanh nghiệp nhà nước.

...ông Huệ cũng tán thành với kiểu là Việt Nam phải cóp nhặt ở mô hình này mô hình kia để tạo ra mô hình phù hợp với Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng nó báo hiệu bất kỳ sự thay đổi đột phá gì đâu trong chính sách, trong mô hình phát triển của Việt Nam đâu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A


Nhưng việc thực thi các nghị quyết này và nhiều chính sách trước đó “vẫn còn dang dở”, thậm chí “thực hiện sai”, nữ chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm đưa ra đánh giá. Bà Lan bày tỏ hy vọng rằng thời gian tới, giới nắm quyết sách ở Việt Nam sẽ có hành động sâu sát hơn để bảo đảm việc thực thi. Bà nói với VOA:

“Làm sao thực hiện thật nghiêm túc, trước hết là ở phía nhà nước. Nhiều khi chính các cơ quan khác nhau của nhà nước thì những người trong nhà nước lại phá hỏng chính sách đó, làm cho nó bị biến tướng đi, trở thành những chính sách mang lại lợi ích cho riêng những nhóm người riêng lẻ nào đó, những thiểu số nào đó, chứ không phải cho cả đất nước, cho đông đảo người dân”.

Khi được VOA hỏi liệu phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có phải là tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có đột phá mới về chính sách, về con đường phát triển, tiến sĩ Nguyễn Quang A tỏ ra bi quan:

“Tôi nghĩ là thực sự chả báo hiệu thay đổi gì đâu. Bởi vì trong một cuộc hội thảo, có nhiều người góp ý, và ông Huệ cũng tán thành với kiểu là Việt Nam phải cóp nhặt ở mô hình này mô hình kia để tạo ra mô hình phù hợp với Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng nó báo hiệu bất kỳ sự thay đổi đột phá gì đâu trong chính sách, trong mô hình phát triển của Việt Nam đâu”.

Nhìn từ hải ngoại, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn hiện sống ở Pháp qua một bài viết đăng trên trang Tiếng Dân bày tỏ hoan nghênh quan điểm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu lời phát biểu của ông Huệ có thể hiểu là “chấm dứt chủ trương ‘nhái’ mô hình Trung Quốc”.

Theo ông Tuấn, tác giả cuốn "Biên Giới Việt-Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp", có một điều rõ ràng là “Việt Nam đã ‘lệ thuộc’ vào Trung Quốc, từ ý thức hệ chính trị, kinh tế, cho tới việc đào tạo nhân sự lãnh đạo”.

Về mô hình nào phù hợp với Việt Nam hiện nay, ông Trương Nhân Tuấn nêu ra gợi ý trên trang Tiếng Dân rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam trước đây đáng để tham khảo.

“Chế độ này xem ra, nếu so sánh với các chế độ ở Philippines, Thái lan, Mã lai, Indonesia… hiện nay, tuy ‘cũ xưa’ nhưng nền tảng chế độ này vẫn có nét “ưu việt” hơn. Mô hình chế độ VNCH là mô hình phát triển của Đài loan hiện nay”, ông Tuấn viết.

“Nếu ông Huệ muốn tìm một mô hình ‘đặc thù’ cho Việt Nam thì VNCH cũng là ‘lịch sử’, là ‘di sản’, là một thành phần của Việt Nam”, nhà nghiên cứu ở Pháp nêu ra ý kiến.

VOA Express

XS
SM
MD
LG