Đường dẫn truy cập

Phó Tổng thống Mỹ sẽ dự ‘thượng đỉnh hòa bình’ Ukraine


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trái, và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sau cuộc họp báo tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/2/2024.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trái, và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sau cuộc họp báo tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/2/2024.

Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về cuộc chiến ở Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức trong tháng này, một sự kiện được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thúc đẩy.

Tòa Bạch Ốc cho biết bà Harris sẽ tham dự cuộc họp ở Lucerne vào ngày 15/6. Tổng thống Joe Biden theo lịch trình ​sẽ có mặt tại một buổi gây quỹ tranh cử ở Los Angeles.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, sẽ tham gia cùng bà Harris với tư cách là thành viên phái đoàn Hoa Kỳ.

Ông Zelenskyy đã thúc đẩy mạnh mẽ hội nghị thượng đỉnh hòa bình này, khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới tham dự, đồng thời tố cáo Nga, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đang cố gắng phá hoại cuộc họp.

Ngày 3/6 khi được hỏi liệu tổng thống Biden có đang gửi thông điệp sai lầm cho thế giới khi bỏ hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine để tham dự một buổi gây quỹ hào nhoáng ở California hay không, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói “chưa có nhà lãnh đạo nào trên thế giới ngày càng ủng hộ Ukraine nhiều hơn, mạnh mẽ hơn ông Joe Biden.”

Ông cho biết bà Harris sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này và sự hiện diện của bà sẽ giúp chứng tỏ rằng “Ukraine không có nước nào ủng hộ mạnh mẽ hơn là Hoa Kỳ”.

“Cho dù là ai đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh này,” “không thể nói rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ việc hỗ trợ Ukraine bằng bất kỳ cách nào,” ông Kirby nói trong cuộc họp báo với các phóng viên.

Một thông tin khác cũng liên quan tới Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Ý ngày 3/6 loan báo nước ông sẽ gửi hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai tới Ukraine, đáp lại lời khẩn cầu của Kyiv về sự giúp đỡ nhiều hơn để chống lại các cuộc tấn công phi đạn của Nga.

Hệ thống này, còn được gọi là MAMBA, là một đơn vị phòng không do Pháp-Ý phối hợp sản xuất có thể theo dõi hàng chục mục tiêu và đánh chặn 10 mục tiêu cùng một lúc. Đây là hệ thống duy nhất do châu Âu sản xuất có thể đánh chặn phi đạn đạn đạo.

Rome và Paris cùng chuyển giao hệ thống đầu tiên vào năm 2023, nhưng trong những tháng gần đây Ukraine đã liên tục kêu gọi các đối tác cung cấp thêm trợ giúp về phòng không khi nước này phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công ngày càng tăng vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoại trưởng Antonio Tajani nói với đài truyền hình nhà nước Rai, xác nhận các tin tức truyền thông trước đó: “Chúng tôi sẽ gửi SAMP/T, một công cụ phòng không, để bảo vệ, mà chính Ukraine đã yêu cầu chúng tôi cung cấp”.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2/2022, Ý đã phê duyệt 8 gói hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Ông Tajani nói SAMP/T sẽ là một phần của gói thứ chín đang được chuẩn bị nhưng không cho biết khung thời gian giao hàng.

Tất cả các chuyến hàng cho đến nay đều được giữ bí mật và chính phủ chưa bao giờ công khai danh sách chính xác số vũ khí đã gửi đến Ukraine.

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này nói với Reuters trước đó rằng Ý có thể sẽ chuyển đến Ukraine một hệ thống SAMP/T hiện đang được triển khai ở Kuwait nhưng sẽ sớm được đưa về Ý.

Tờ Corriere della Sera ngày 3/6 đưa tin rằng chính phủ có thể bật đèn xanh cho các nguồn cung cấp mới sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo của Nhóm bảy nền dân chủ lớn G7 mà Ý sẽ tổ chức vào ngày 13-15/6.

Các ngoại trưởng G7 đã cam kết vào tháng 4 sẽ cung cấp thêm trợ giúp phòng không cho Ukraine trong cuộc họp mà Ý tổ chức trên đảo Capri, nói rằng họ cam kết cứu mạng sống và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG